1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Phạm Huy Thông: Giọng anh hùng ca khởi đầu trong thơ Việt

30/09/2019
Phạm Huy Thông (22/11/1916 - 23/6/1988) đã học sử, học văn, học luật tại Pháp, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trước cách mạng tháng Tám 1945 được học hành đến bằng cấp ấy hiếm lắm. Phạm Huy Thông là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội nhưng trước hết và sau cùng ông là nhà thơ. Ông làm thơ khá sớm, năm 15 tuổi đã có thơ đăng báo và liên tiếp trong các năm 1933, 1934, 1935, 1937 xuất bản bốn tập thơ Yêu đương, Anh Nga, Tiếng địch sông Ô, Tần Ngọc. Được Khái Hưng, Nhất Linh, hai ông trùm của Tự lực văn đoàn, biểu dương khích lệ ngay từ tập thơ đầu.

Phạm Huy Thông (22/11/1916 – 23/6/1988) đã học sử, học văn, học luật tại Pháp, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Trước cách mạng tháng Tám 1945 được học hành đến bằng cấp ấy hiếm lắm. Phạm Huy Thông là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội nhưng trước hết và sau cùng ông là nhà thơ. Ông làm thơ khá sớm, năm 15 tuổi đã có thơ đăng báo và liên tiếp trong các năm 1933, 1934, 1935, 1937 xuất bản bốn tập thơ Yêu đương, Anh Nga, Tiếng địch sông Ô, Tần Ngọc. Được Khái Hưng, Nhất Linh, hai ông trùm của Tự lực văn đoàn, biểu dương khích lệ ngay từ tập thơ đầu. Ở cuối Lời tựa viết cho tập Tiếng sóng, Khái Hưng mạnh dạn khẳng định: Thi sĩ Huy Thông sẽ có thể trở nên một nhà thi hào. Điều đó tôi chắc chắn lắm. Ấy vậy mà sau này Phạm Huy Thông chuyển hẳn sang làm khoa học. Với thơ, có lúc ông quay lại (hồi kháng chiến chống Mỹ) nhưng không còn gây được chú ý trong bạn đọc. Có thể coi thành công thơ ông nằm trong giai đoạn khai sinh phong trào Thơ Mới, nửa đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XX.

Thơ Phạm Huy Thông chủ yếu là thơ tình yêu: ca ngợi sắc đẹp và giãi bày nỗi si tình. Ông say đắm và cũng nhiều lời. Đó là buổi đầu của chủ nghĩa lãng mạn ở xứ ta lại là thơ của tuổi mới lớn. Nói được lòng mình say đắm đã là bạo. Cái bạo ấy là chỗ các nhà lãng mạn biểu dương. Ông cũng ham tả cảnh, cảnh như phông nền cho tình, thứ nào ra thứ ấy, ít có sự  lồng ghép hàm xúc lấy cảnh nói tình. Ông không ham khám phá tâm trạng hay sáng tạo tình cảm. Yêu là yêu, là mê đắm, là nhớ mong. Ông thiên về giãi bày nên mạch thơ dễ đều đều bằng phẳng. Lời thơ khi ấy, trước Xuân Diệu có dăm năm, còn nhiều kiểu cách, ước lệ, xa đời sống thường ngày. Người yêu nói với nhau như trên sân khấu ca kịch, lủng củng những từ cao sang và sáo mòn, nghe còn cổ hơn thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến:

Chàng thảo mấy dòng thơ như nhạn múa

Trên tờ mây thiếp vẫn giữ bên tim sầu

 Có lẽ vì thế mà sau những lời biểu dương nồng nhiệt, Khái Hưng cũng phải nhắc nhở: “Nhưng tôi tưởng ông Huy Thông cũng nên thận trọng hơn một chút về sự chọn chữ (…). Có một nền học vấn Hy La và biết châm chước nhập tịch vào văn thơ nước nhà nhiều lối Thơ Mới, như thế cũng chưa đủ. Lại còn phải chọn, lọc, dùng những chữ thực đúng nghĩa, thì tác phẩm của ta mới có thể lưu truyền lại hậu thế được”. Nhưng đấy cũng là dấu tích lúc manh nha của chủ nghĩa lãng mạn, ở nơi  đâu cũng thế. Lãng mạn vốn ưa mộng mị và xa đời. Xa đời bằng cách chui vào ngôi tháp tự mình xây, cách bức với đời, xây bằng mộng thì gọi là tháp ngà, xây bằng kim loại thì gọi là cũi sắt. Thế Lữ, ông nhà thơ quyết định chiến thắng của Thơ Mới, có cả tháp ngà  lẫn cũi sắt Tiên nga xõa tóc bên nguồn Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu và Trời xanh xanh ngắt ô kìa hai con hạc trắng bay về bồng lai là tháp ngà. Còn cũi sắt, ấy là nơi con hổ trong vườn bách thảo nằm nhớ rừng, nhớ thuở tung hoành phi thường và cũng phi thực Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi. Cố nhiên cái cũi sắt thì có gần đời hơn tháp ngà, nó có tang chứng ở trong đời. Hiện vật trong thơ tình yêu thi sĩ họ Phạm thì toàn mộng mị. Cái thật của nó lại ở nỗi lòng tác giả, ở cái “ái tình” trong lòng ông, nó là cái đáng kể nhất trong cuộc đời này và nó đang choán cả trời đất. Đọc Phạm Huy Thông chặng này phải đọc trong cơn lên đồng ấy mới thấy đồng điệu, mới thấy sáng tạo và đóng góp của tài năng ông. Thanh niên hồi ấy ưa thích ông, cũng như dăm năm sau họ mê mẩn Xuân Diệu và đồng ca theo Xuân Diệu Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi. Phạm Huy Thông là người tiên phong thổi ngọn gió lãng mạn cá nhân vào tâm hồn họ, đánh thức những tình cảm bắt đầu manh nha trong lòng họ: tự do yêu đương, tận hưởng ái tình. Đọc ông, họ như được vào miền đất mới nhiều đắm say, nhiều lạc thú của tình yêu mà trước đó trong thơ cổ điển, ngay đa tình như thơ Phạm Thái cũng không hề có. Điều đó giải thích vì sao khi Huy Thông xuất hiện đã thu hút bạn đọc mạnh mẽ đến mức họ bất chấp những tì vết trong bút pháp của ông. Cách đọc ấy công chúng mấy năm sau không có lại được. Họ tỉnh mất rồi, không đủ say để nhập đồng được nữa. Bây giờ họ đọc ông, thành kính trân trọng trước một khai phá của thơ Việt nhưng quả thật họ có hơi sốt ruột vì những sướt mướt nhớ thương và lê thê than vãn, đôi lúc họ còn mỉm cười vì sự quá dư nước mắt của các bậc nam nhi sức vóc hồi ấy. Tuy nhiên cái chỗ còn là nhược điểm này ở Phạm Huy Thông thì đến khi Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên xuất hiện sẽ được khắc phục, tạo nên một thời đại mới trong thi ca, thời đại những tình cảm riêng tư ẩn giấu trong lòng mỗi người, thường là tình yêu, được bộc lộ, được xã hội chia sẻ, cảm thông và ca ngợi. Đó là một đóng góp nhân đạo của thơ cho đời sống.

Thành tựu riêng biệt và đặc trưng cho tài năng Phạm Huy Thông là giọng anh hùng ca trong các bài thơ dài lấy điển tích lịch sử như Hạng Vũ biệt Ngu Cơ thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Hoa hoặc như tích công chúa Huyền Trân theo lệnh vua cha Trần Nhân tông từ biệt người yêu, về làm vợ vua Chiêm, dẹp chiến tranh và mở mang bờ cõi. Sức bút Phạm Huy Thông trở nên tung hoành với không gian lớn trong các mối mâu thuẫn của khát vọng quyền lực với sự đắm say tình yêu, của sắc đẹp với ý chí, của sức mạnh con người với khí vận trời đất. Bút pháp lãng mạn Phạm Huy Thông phát huy sở trường ở kích tấc khổng lồ của những tình cảm lớn, những mâu thuẫn lớn. Sự tích lịch sử, mà một phần đã huyền thoại hóa, thành chất men xúc tác cho trí tượng lãng mạn của thơ cất cánh. Tác giả say trong không gian lớn, nơi tình cảm bi thương cùng hành động cao cả ngự trị và chuyển hóa lẫn nhau nhanh, mạnh, bất ngờ. Những câu thơ kể chuyện trở nên âm vang và tràn đầy cảm xúc. Tiếng than của Hạng Tịch khi vận trời đã tận nghe như tiếng vang của sông núi, của thời gian, của trời đất:

Ôi những võ công oanh liệt chốn sa trường

Những buổi tung hoành lăn lộn

trong rừng thương

Những dũng tướng bị đầu văng trước trận

Nhưng than ôi! Vận trời khi đã tận

Sức lay thành nhổ núi mà làm chi!

Không gian kịch tính của các bài thơ lịch sử Phạm Huy Thông thường được đẩy lên cao trào có tính bi tráng nơi ý chí, nghị lực và lòng son sắt tình yêu bị thực tế đời sống bẻ gãy: Ngu Cơ tự sát để Hạng Tịch tiếp tục sự nghiệp võ công. Vị dũng tướng trăm trận trăm thắng bị sa cơ, sụp đổ bao khát vọng, theo logic lãng mạn Phạm Huy Thông, lại chỉ vì trái tim yêu đằm thắm.

Trần Khát Chung, vị tướng tài đời Trần nén lòng yêu công chúa Huyền Trân để làm kẻ trung thần. Công chúa Huyền Trân thì lại vì tình yêu mà phải cắt tình yêu. Cuối bài thơ cả hai cõi lòng đều tan nát và không gian bao quanh họ như cũng bước vào hủy diệt:

Còn đợi chờ chi nữa, cảnh mênh mông…

Mà chưa tan…

Mà chưa tan…

Mà chưa biến ra hư không.

Hình ảnh Lê Hoàn, Phan Bội Châu có một kích tấc kỳ vĩ kể cả trong thất bại. Cái chết của Phan Bội Châu là cái chết của con voi già mà tiếng gầm từ giã lay chuyển cả rừng xanh trời rộng và gọi linh hồn hùng vĩ của loài voi.

Cảm hứng lãng mạn đã tạo sức cho lịch sử khôi phục sự kiện, hơn thế còn sáng tạo tâm trạng cho nhân vật và người đọc. Lịch sử hiện diện theo yêu cầu của cảm xúc, của tâm lý người đương thời. Sự kiện lịch sử và diễn biến tâm lý nhân vật đầy bi tráng làm Phạm Huy Thông thoát khỏi giọng cái tôi ẻo lả của các bài thơ ngắn mấy năm trước tạo nên giọng thơ bi hùng hiếm có của thời ấy. Tôi ngờ rằng khi viết bài Ly rượu thọ mùa xuân năm 1938, một bài thơ cũng có hơi anh hùng ca, Tố Hữu đã ảnh hưởng cảm hứng Phạm Huy Thông khi vào bài bằng tư thế viên tướng Mã Chiếm Sơn trên mình ngựa Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ/ Ngựa rung đầu hí lạnh giữa tàn quân nếu so với tư thế Hạng Võ khi Phạm Huy Thông vào bài Tiếng địch sông Ô:

Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa

Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.

Và hôm nay, đã hơn tám mươi năm đi qua bài thơ này, lịch sử đất nước bao nhiêu biến động, tâm trạng chúng ta cũng nhiều đổi thay nhưng hồn vía chúng ta vẫn mê đắm nhập vào và bị dẫn theo cảm hứng anh hùng ca, lãng mạn Phạm Huy Thông. Đấy là cống hiến đặc sắc của Phạm Huy Thông. Thời gian ông làm thơ chỉ khoảng 5 năm, từ 15 đến 20 tuổi (1932-1937). Giai đoạn này ông thân với Nguyễn Nhược Pháp. Hai tâm hồn trẻ trung, đều say đắm đề tài ngày xưa và đều là tác giả nổi tiếng của phong trào Thơ Mới nhưng thi pháp hoàn toàn khác biệt.  Sau đó, Phạm Huy Thông gác lại việc làm thơ, sang Pháp du học. Về nước, ông đấu tranh chính trị làm công tác khoa học. Từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội, Viện trưởng Viện khảo cổ VN, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử. Đại biểu Quốc hội khóa II  khóa lll. Nhưng không làm thơ nữa. Dù bài  thơ Tiếng địch sông Ô nhiều năm có mặt trong sách giáo khoa bậc trung học và vẫn làm say mê nhiều thế hệ học trò.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)