1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Những vần thơ mang hương cói quê nhà

09/09/2019
Gặp những bài thơ đầu tiên của Trần Đức Cường viết về các cô con gái rượu của anh in trên nguyệt san của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi trở thành độc giả thơ anh lúc nào không nhớ nữa.

Gặp những bài thơ đầu tiên của Trần Đức Cường viết về các cô con gái rượu của anh in trên nguyệt san của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi trở thành độc giả thơ anh lúc nào không nhớ nữa. Sau bao năm, thơ anh xuất hiện đều đặn trên các câu lạc bộ thơ Hà Nội, dưới hình thức tọa đàm, in tuyển tập, đặt vào các website văn nghệ, tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của một cây bút, và cũng là chứng kiến sự trưởng thành đi từ phồn thịnh đến tinh tế của một hồn thơ. Tôi muốn dùng từ “phồn thịnh” để xác nhận tính chất phong phú về đề tài trong thơ anh. Vì thông thường, người ta đến với thơ và văn chương nói chung đều bằng cái tôi rất riêng tư, bằng những xúc cảm hướng nội rồi mới dần dần “hướng ngoại”, mở rộng chân trời. Từ chân trời riêng ta tới chân trời tất cả, như  Paul Éluard có lần đã nói. Trần Đức Cường cũng không vượt ra ngoài quy luật ấy. Thơ anh bắt đầu từ chuyện nhà mà ra chuyện đời. 
 

Sau tập thơ đầu tay - Hương cói quê nhà (Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2017), các bài thơ in lẻ trên các báo Hà Nội và Trung ương của anh đã ghi nhận từng bước đi chắc chắn về thi pháp. Ngay trong bài đầu tiên của bản thảo tập thơ này, tôi bắt gặp một thể thơ đang mất dần vị thế trong thơ Việt Nam hiện đại. Đó là thể song thất lục bát:
 

Đêm trăn trở con tim kêu gọi

Cứ bâng khuâng mong mỏi đợi chờ

Giật mình rời khỏi bến mơ

Ngẩn ngơ câu chữ bến bờ lãng du
 

Những câu thơ mơ hồ, rất cần thời gian ngâm ngợi và giải mã. Song thất lục bát là thể thơ không chuyển tải sự vận động, không có khả năng “kể chuyện”, chỉ thiên về dãi bày, tâm sự, mà nói chính xác nhất là một thể thơ thuần tính trữ tình (lyric). Vậy cái tình trong ba khổ song thất lục bát Cõi mộng ở đây là tình gì. Chỉ có thể giải mã là cái Tình của người đang “ngẩn ngơ câu chữ”, người đang bị thơ dày vò, hành hạ trong đêm. Cái mộng trong bài thơ đây là mộng làm thi sĩ, người con gái chập chờn trong giấc mộng này, suy cho cùng vẫn là nàng Thơ. Chính vì vậy mà khổ thơ thứ ba của anh kết thúc trong màu vàng thu buồn bã:
 

Giấc mơ ấy bây giờ vẫn thắm

Mà mộng xưa thăm thẳm phương trời

Thu về xao xác lá rơi

Vàng thêm nỗi nhớ, đầy vơi cõi tình
 

Cõi mộng chính là bài thơ nói về sáng tác thơ. Cõi mộng chính là nỗi buồn của người làm thơ khao khát thành thi sĩ, cho đến lúc về già vẫn thấy vương quốc của thi ca như một chốn “thiên thai xa vời”.
 

Tôi mừng cho Trần Đức Cường đã mạnh dạn thể nghiệm một thể loại thơ già, đồng thời cũng chia sẻ với anh nỗi buồn của người cầm bút muộn màng: Sau bao năm chinh chiến, đánh giặc, chữa bệnh cho người, làm chuyên gia y tế đất khách, về hưu rồi mới rảnh rỗi đến với thơ. Mừng cho anh về sự mở rộng đến phồn thịnh về đề tài, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thích những bài thơ anh viết về quê hương. Sử dụng quyền tiếp nhận bất khả xâm phạm của một độc giả, tôi bỏ qua nhiều bài rất hay của anh để đến với tất cả những bài dù không hay nếu anh viết về quê hương Nga Sơn, Thanh Hóa. 
 

Nếu làm một con số thống kê, tôi có thể khẳng định thơ anh viết về quê hương chiếm tỷ lệ rất lớn trong tập thơ này. Điều này dễ hiểu. “Hương cói quê nhà”  làm sao bay khỏi cuộc đời anh:
 

Bàn chân in dấu nhiều phương

Hướng về nguồn cội yêu thương trọn đời

Đông qua xuân mới gọi mời

Mênh mông cói, sợi tơ trời vấn vương,
 

Nếu không phải người Nga Sơn, nếu không lớn lên từ vùng đất biển Nga Sơn, không ai có thể ngắt nhịp câu bát theo kiểu 3/5 thế này: mênh mông cói/ sợi tơ trời vấn vương. Tám âm tiết của câu thơ lục bát này gói kín một sự vận động: từ sự vận động của ngoại cảnh sang sự vận động của tâm hồn. “Mênh mông cói” biểu hiện sự kinh ngạc trước vẻ đẹp bao la, cồn lên của sóng cói đang sắp vào mùa thu hoạch. Những năm xưa, cói trên đất vùng biển Nga Sơn xanh đến tận chân trời. Biển Nga Sơn không có cát, chỉ có những khu rừng vẹt ngập mặn, chắn sóng. Nếu từ biển đi sâu vào đất liền là ta gặp đất cói. Cói thay chỗ cho biển xanh. Trước mặt, sau lưng ta tất cả đều là biển cói. Trên là trời, dưới là cói. Ba tiếng “mênh mông cói” cho ta cảm nhận được tiếng sóng cói xô dạt do gió biển thổi vào. 
 

Biển cói mênh mông ấy trong câu thơ thoắt biến thành “sợi tơ trời”. Chỉ một nhà thơ lớn lên ở vùng đất cói, đồng cói đi suốt tuổi thơ, lớn lên xa quê, nhớ cói mới thi vị hóa được như vậy: sợi cói hóa sợi tơ trời. Bởi vì làm cói chiếu là một nghề nặng nhọc không kém nghề thợ mộc. Từ cây mống xanh, trải qua bao mưa nắng, mưa bão, đến khi thành cây cói dài, cắt chặt chở về cồn cát, chẻ đôi, phơi khô cho thành sợi dệt chiếu… là những tháng ngày mồ hôi lam lũ. Có điều, khi đi vào thơ, những sợi cói trắng khô tung trên cồn cát quê hương phải mất đi vị mặn mòi của mồ hôi người cùng vùng nước lợ, để bay lên trong tâm hồn nhà thơ, như sợi tơ trời. 
 

Không ai giấu được cái tôi của mình trong thơ. Thơ phát lộ tâm hồn anh, bản ngã anh và cả lý lịch anh. Có thể xem thơ như một thể loại văn học mang đậm tính tiểu sử. Đọc thơ Trần Đức Cường độc giả biết ngay anh là người đất cói. Không vậy mà hình ảnh đồng cói cứ cách một đôi bài lại xuất hiện, khi thì bâng khuâng cùng nỗi nhớ:
 

“Bâng khuâng trở lại quê nhà

Cỏ xanh biêng biếc mượt mà cói xanh”

Khi thì gắn với hình ảnh cây cau giàn trầu quen thuộc:

“Giàn trầu thắm những buồng cau

Bao la đồng cói xanh màu đợi ai”

Khi thì hiện lên trong không gian chơi vơi:

“Bồng bềnh mây trắng chơi vơi

Cói lên xanh tốt bời bời sắc xuân”

Lúc lại xuất hiện với cảm giác rất da thịt:

“Chạm vào đợt sóng lô nhô

Mênh mang đồng cói sóng xô ngập tràn”

Sóng cói, đồng cói ngập tràn mãi trong thơ anh . Điều này không thể khác.
 

Trong chừng mục nhất định có thể coi thơ Trần Đức Cường như một kiểu thơ du lịch, thơ quảng cáo cho du lịch xứ Thanh, mà trước hết là thơ mời gọi đến vùng đất Nga Sơn huyền thoại. Gần như bài thơ nào của anh cũng có dấu ấn quê hương Nga Sơn. Có thể tác giả không trực tiếp gọi tên xã, tên làng, không đem các địa danh vào bài thơ, nhưng độc giả xứ Thanh đọc lên là nhận ra không khí, phong vị huyện nhà của tác giả. 
 

Nga Sơn xa xưa là “huyện đảo”, tức là miền đất đảo xưa với sự tích quả dưa hấu đỏ của Mai An Tiêm - con nuôi Hùng Vương. Họ Mai ở Nga Sơn đông đúc, rất nhiều chi dòng. Người phương xa di cư đến Nga Sơn lập nghiệp khi biết ai đó là người họ Mai đều có ý vị nể, kiêng dè, vì đó mới là dân cựu, là “người bản xứ”, mang dòng máu vua Hùng. Trong bài “Miền đất biển quê tôi” của tập thơ này, ta gặp ngay những câu thơ đậm màu cổ tích:
 

Đảo hoang dưa hấu ngọt ngào

Đây hang Từ Thức, Bích Đào động tiên

Vịn chiều hòn Nẹ nước lên

Phù sa bồi đắp mở thêm xóm làng

 

Mảnh đất địa linh nhân kiệt Nga Sơn là đất gieo hồn thơ và sản sinh ra những nhà thơ cùng rất nhiều danh sĩ, danh nhân. Một trong số đó phải kể ngay đến Hữu Loan - nhà thơ của “Đèo Cả”, của “Màu tím hoa sim”. 
 

Tâm hồn thơ Trần Đức Cường ít nhiều đều mang cội rễ từ truyền thống văn hóa của hòn đảo thi ca này. Nếu không có nguồn cội ấy, làm sao anh có thể viết được những câu thơ buồn một cách ngẩn ngơ mà sang trọng thế này:
 

Cô đơn ngơ ngẩn tím chiều

Chỉ còn động lại những điều vu vơ

Nỗi niềm gửi cả vào thơ

Bao nhiêu khao khát giấc mơ thay mùa.
 

Và thiếu cái nguồn cội dù xa xôi ấy, làm sao anh viết được những câu song thất lục bát nhang nhác Chinh phụ ngâm thế này:

Sẽ rời khỏi chốn nơi hoang vắng

Bình minh về sóng gió lặng im

Dạt dào như nước trên ngàn

Xuôi về biển cả chứa chan ấm nồng

 

Có nhà thơ tâm sự rằng: làm thơ khi đã về già thì thơ già không khác một ngôi nhà cổ. Đúng vậy, “nửa đời tóc ngả màu sương”, về hưu rồi mới đủ rảnh rỗi và nhiệt tình đến sống với thơ, thơ Trần Đức Cường giống như ngôi nhà cổ đang cần bảo dưỡng, trùng tu và thay mới. Thơ anh có những bài những câu rất cũ - một kiểu thơ hưu trí hiện nay, nhưng cũng có rất nhiều bài thể hiện một sự tìm tòi, cách tân, một nỗ lực đổi mới để đồng hành với thơ trẻ. Một sự đồng hành cả trong cấu tứ lẫn thi pháp.

 

Là những độc giả quen biết của anh - chúng tôi tin thơ Trần Đức Cường sẽ không khép lại làm “một mảnh tình riêng ta với ta”, không dừng lại làm một phương tiện giải trí cá nhân của riêng anh, mà sẽ thơ chung cho tất cả. Chúng tôi sẽ tìm thấy trong thơ anh không chỉ “hương cói quê nhà” Nga Sơn của anh mà cả hương sắc muôn màu của đất nước, dân tộc hôm nay.

Phạm Thành Hưng/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)