1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Nguyễn Minh Châu bên chân trời vỏ đạn

10/10/2019
Bất hạnh cho dân tộc nào cần có anh hùng. Hegel

Bất hạnh cho dân tộc nào cần có anh hùng.

Hegel

Mỗi nhà văn đều có một miền quê sáng tác, một thế giới nhân vật quen thuộc, làm nên sự nghiệp văn học của mình. Số phận văn chương của Nguyễn Minh Châu (1930-1989) gắn liền với mảnh đất Trị Thiên và người lính. Từ một không gian địa lý cụ thể, ông mở ra thành một không gian nghệ thuật rộng lớn, từ người lính ông đến với thế giới con người với tất cả ý nghĩa vốn có của từ này, tiếp tục đưa ngòi bút của mình soi tỏ một thế giới phong phú hơn, một không gian nghệ thuật rộng lớn hơn, là chiều sâu thăm thẳm của con người, làm hắt sáng lên trên nền vách thời gian những tia sáng mới mẻ của hiện thực cuộc đời.

Hành trình đến với văn học của Nguyễn Minh Châu không dễ dàng, suôn sẻ mà là quá trình lao động cần mẫn, đầy kiên nhẫn và luôn tìn tòi tự đổi mới. Sinh ra ở Diễn Châu, Nghệ An, năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn sôi động, người học sinh chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng vừa tròn hai mươi tuổi ấy, từ giả sách vở lên đường nhập ngũ trở thành người lính chiến đấu ở vùng địch hậu thuộc đồng bằng sông Hồng và mười mấy năm sau ông mới trở thành nhà văn viết về người lính, tác giả của nghiều tác phẩm lần lượt xuất hiện được đông đảo bạn đọc chú ý: Cửa sông (1967), Những vùng trời khác nhau (1970), Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Mảnh đất tình yêu (1987), Cỏ lau (1987) và nhiều truyện ngắn, trao đổi, tiểu luận in rải rác trên báo chí trung ương và địa phương. Có thể nói rằng suốt mười sáu năm của chặng đầu con đường sáng tác của Nguyễn Minh Châu là quãng đường tìm tòi, kiên nhẫn và có cả những thất bại thầm lặng. Một vài phóng sự, một vài truyện ngắn phác thảo về chân dung người lính được viết ra rồi chính tay tác giả hủy đi; một vài bài báo chìm nghĩm giữa những Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Thư nhà của Hồ Phương, Vùng trời của Hữu Mai… những đồng nghiệp mặc áo lính cùng thời. Chỉ sau những chuyến đi vào khu Bốn và vào giữa những năm sáu mươi, Nguyễn Minh Châu mới tìm ra lối về với biển cả văn chương bằng tiểu thuyết Cửa sông viết có tính chất “công thức” một cách phổ biến về hậu phương miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu, tạo ấn tượng đối với bạn đọc và giới phê bình thời đó. Phải đợi đến đầu năm 1967, Nguyễn Minh Châu có mặt trong đoàn quân ra trận, băng rừng vào chiến trường Quảng Trị, ông mới bắt đầu thấu hiểu ít nhiều về gương mặt thật của chiến tranh và có bước chuẩn bị bằng các truyện ngắn Mùa hè năm ấy, Mảnh trăng cuối rừng, để bắt tay vào viết tiểu thuyết Dấu chân người lính, mở đầu cho hàng loạt các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông về mảnh đất Quảng Trị - lấy Quảng Trị làm cột neo, để từ đó ông xoay một vòng rộng hơn, xa hơn vào Thừa Thiên, ra Quảng Bình, soi tỏ đến nhiều vùng đất khác nhau trong cả nước. Nhưng dẫu cho nhà văn có quan sát Những vùng trời khác nhau như tiêu đề tập tuyện ngắn của ông, ở nhiều thời điểm khác nhau, vẫn không tách khỏi cái không gian Miền cháy ấy, nơi ông từng nhìn thấy “một chân trời vỏ đạn đang trôi chảy những dòng sông xanh mang tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn” , không thoát khỏi những hồi cố, những vang vọng của khói lửa chiến tranh còn in sâu trong tiềm thức trôi theo tháng năm, cho đến những trang viết cuối đời.

Những chuyến đi vào chiến trường dài, ngắn khác nhau không thể đặt trùng khít lên mỗi trang văn, cũng như mỗi tác phẩm ra đời không thể tính bằng những chuyến vào ra. Nhưng có thể nói rằng, Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn gắn bó nhiều với chiến trường Trị Thiên, hầu như có mặt liên tục ở “miền đất cháy, miền đất chết” này, bằng những chuyến đi dài ngày từ ba, bốn tháng đến hàng năm trời: 1967, 1969, 1972, 1975, 1979, 1981, 1984… với những trang nhật ký ghi chép chi chít chữ, nhòe nước mưa và bụi đất, khét lẹt mùi thuốc súng, ghi vội vã trên đường hành quân, giữa hai đợt xuất kích hay giữa tiếng reo vui chào đón chiến thắng của mọi người. Lần theo những chuyến đi, những chuyến vào ra, lần theo “dấu chân người lính” Nguyễn Minh Châu, tôi muốn hình dung ra vóc dáng tâm hồn của một con người có một khát khao đến cháy bỏng “muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong một con người trong cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xảy ra từng giờ, từng ngày và khắp các lĩnh vực đời sống” .

Lấy văn chương làm sự nghiệp đời mình, Nguyễn Minh Châu khát khao sáng tạo. Nhưng nhà văn không thể vượt qua cái nóc của thời đại, dẫu cho ngòi bút của ông luôn năng động, muốn quẫy đạp, muốn tự đập vỡ mình ra để làm lại chính mình, bởi vì, ngay trong chiến tranh, ông vẫn nhận ra thói xấu cố hữu của con người như “cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc,vụ lợi”  vẫn tồn tại bên cạnh những hy sinh cao cả của con người. Cũng chính vì thế mà hoàn toàn có thể tìm thấy sự vận động về lý tưởng thẩm mỹ, sự phát triển không ngừng về thi pháp biểu hiện trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Ngược lại, cũng dễ dàng nhận ra sự đổi mới, vận động và phát triển ấy là một quá trình nhất quán, không hề có sự mâu thuẫn, kiểu xu phụ, ăn theo những người-thợ-xếp-chữ, hướng ngòi bút của mình theo không khí của thời cuộc, trái với thói quanh co, uốn éo, trái gió trở cờ.

Giờ đây, ngồi đọc lại Nguyễn Minh Châu, lần tìm lại dấu vết đời văn chưa phải là đồ sộ, chưa có gì là tòa ngang dãy dọc, nhưng cũng đủ để nhận ra một chân dung văn học đặc sắc, với những phẩm chất văn chương của một tài năng độc đáo. Đó là năng lực quan sát tinh tế, là ngòi bút giàu chất thơ, là tấm lòng đôn hậu rộng mở và chiều sâu triết học về con người – tư tưởng nhân bản trong văn chương. Đó là cái chung, cái nhất quán trong Nguyễn Minh Châu. Nhưng đọc Nguyễn Minh Châu tôi còn gặp nhiều con người trong một con người. Ít nhất có đến ba Nguyễn Minh Châu, đó là người lính mang trong mình tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hòa nhập cái tôi riêng lẽ của mình trong cộng đồng, trong sản xuất và chiến đấu ở hậu phương (Cửa sông), hăng hái gia nhập đoàn quân ra trận đối mặt với kẻ thù trong trận chiến một mất một còn (Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính). Ở Nguyễn Minh Châu giai đoạn này dễ tìm thấy sự hòa nhập ý thức cá nhân để làm nên ý thức cộng đồng. Trong phương thức sử thi hóa nhân vật, để đưa đến sự rạch ròi giữa chúng ta và chúng nó, giữa mất và còn trong thế đối đầu lịch sử giữa dân tộc và xâm lược. Có tìm thấy cái riêng chăng của Nguyễn Minh Châu, là chỗ khả năng am hiểu tường tận về đời sống người lính và người nông dân trên dải đất miền Trung, từ quê hương Nghệ Tĩnh của ông đến Quảng Trị, Thừa Thiên. Có cái riêng chăng là cái chân dung hồn hậu của người dân nghèo khó, bị cuốn hút trong cơn lốc nghiệt ngã của chiến tranh, thấp thoáng trong ánh hào quang chiến thắng và sự hy sinh cao cả, là bóng dáng những bi kịch âm thầm. Trong giàn hợp xướng tụng ca đang ở phút cao trào, những âm vang mới mẻ kia chưa gây được những thanh động, chưa thực sự được ghi nhận. Nếu xu hướng nhìn lại hôm nay, coi đó là một nhược điểm, là một “tấn bi kịch đánh mất bản thân mình”  cũng chưa thật thỏa đáng, cho dẫu rằng đã có lúc Nguyễn Minh Châu tự kiểm điểm lại mình khi Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đọn văn học minh họa. Bởi lẽ, văn học bao giờ cũng là kết quả của sự tác động qua lại giữa các khuynh hướng tư tưởng của thời đại, nhà văn trước hết phải là nhà tư tưởng, là kẻ phát ngôn cho tư tưởng đương thời. Nguyễn Minh Châu là người khẳng định chân lý của thời đại mình là quyết tâm thắng Mỹ xâm lược, còn nếu trong hoàn cảnh đó, lúc này lúc khác, ông chưa thể hiện đúng con người với tư cách là cá nhân trong bão lửa của chiến tranh, có lẽ là sai lệch có tính lịch sử.

Con người thứ hai hằn lên giữa trang văn Nguyễn Minh Châu là người lính trở về sau chiến tranh, mở ra tấm lòng bao dung, nhân hậu với mọi người, trong đó có cả ý nghĩa nhân văn trong hòa hợp hòa giải dân tộc và đang đứng trước bao lo toan của cuộc sống đời thường, bao hậu quả của chiến tranh cần giải quyết, người lính cách mạng trước hết phải là người mang bản chất văn hóa nhân văn, văn hóa thương người, biêt nhận diện đâu là kẻ thù, đâu là nhân dân và sẵn sàng làm mọi thứ để hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng mỗi người (Miền cháy), đồng thời còn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thời hậu chiến (Những người đi từ trong rừng ra). Ở những trang viết trong giai đoạn chuyển tiếp này, về căn bản Nguyễn Minh Châu vẫn giữ quan niệm nghệ thuật về con người và thi pháp biểu hiện theo kiểu cũ, giống như những trang viết của ông trước năm 1975. Những yếu tố mới mẻ, những đóng góp riêng của Nguyễn Minh Châu mới được thể hiện với những đề xuất có tính dự báo, mới đưa ra những thăm dò, chưa thể khẳng định trong tình hình xã hội có nhiều chuyển động mạnh nhưng văn học vẫn trượt đi trên một đường ray có sẵn, là tư duy nghệ thuật đã trở thành lối mòn của văn học viết về chiến tranh. Cái mới đó, sự đổi mới có tính tiên cảm ấy, là cần thoat khỏi cái nhìn định kiến của chủ nghĩa lý lịch (Miền cháy) là sự dự báo về chủ nghĩa công thần, là những biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa thực dụng, nỗi ham muốn vật chất đang xâm chiếm làm tha hóa con người sau chiến tranh (Lửa từ những ngôi nhà).

Từ góc độ thi pháp, quan niệm nghệ thuật về con người, logic phát triển của tư duy nghệ thuật, có thể xếp sáng tác của hai giai đoạn này là một, là giống nhau. Có khác chăng, ở ba tiểu thuyết sau này, Nguyễn Minh Châu đã từng bước tách con người ra khỏi cộng đồng, bắt đầu đứng riêng ra khỏi hàng ngũ, khỏi điều lệnh của tập thể, nhưng chưa khẳng định được mình với tư cách là một “sinh thể tư duy”.

Truyện ngắn Bức tranh (viết năm 1976, ban đầu có tên là Cái mặt)  là bước ngoặt lớn trên con đường văn học dài gần bốn mươi năm của Nguyễn Minh Châu. Ở đây, ta gặp một Nguyễn Minh Châu mới lạ của Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Mảnh đất tình yêu và Cỏ lau khác hẳn với Nguyễn Minh Châu đã đi qua chỉ để lại Dấu chân người lính mà còn dẫn đến sự khác biệt, sự đổi mới ấy, ông còn phải đi qua những Miền cháy và nhìn thấy tín hiệu Lửa từ những ngôi nhà… Vai trò tích cực trong xã hội của mỗi cá nhân sau khi đã đã tách khỏi cộng đồng (mà do hoàn cảnh chiến đấu phải kết thành một khối, thành một sức mạnh) trong công cuộc xây dựng xã hội mới được khẳng định rõ rệt. Đó là cơ sở xã hội – lịch sử khách quan đã tạo ra một tâm thế sáng tạo mới cho người cầm bút, tâm thế chủ động của con người cải tạo hoàn cảnh, làm chủ tình huống. Lối viết giản đơn, một chiều không còn đáp ứng nhu cầu xã hội và thị hiếu thẩm mỹ nhiều mặt của đời sống đương thời. Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Cỏ lau, Mùa trái cốc miền Nam… là những nhát cuốc mở đường, phát ra một lối mới để đi vào một thế giới thực tại đầy biến động; một vệt sáng rọi lên bức màn còn khuất nẻo của hiện thực, ghi nhận sự chuyển mình của đất nước, mở ra khuynh hướng dân chủ hóa, nhân vị hóa trong ý thức nghệ thuật, phá vỡ thi pháp cổ điển của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX ( hoặc là sự lặp lại, nhai lại) đang chắn ngang con đường tiếp cận đời sống đích thực của văn học. Đó cũng là con đường thừa nhận nhân cách của chính người sáng tạo từ góc độ nhân bản.

Đã từng diễn ra trong một thời gian dài con người trong văn học cách mạng (do hạn chế lịch sử như nhiều người đã nói) chỉ được soi rọi dưới mội tọa đọ duy nhất là xã hội – cộng đồng. Nguyễn Minh Châu đã từng có ý thức cựa quậy để thoát khỏi những ràng buộc có ý nghĩa toàn trị của tư tưởng xã hội và thời đại lịch sử, nhưng không thể làm được. Thác lời nhân vật Lực trong Cỏ lau, ông đã nhiều lần thừa nhận: “Tôi chỉ là con người của chiến tranh”, nhưng những trải nghiệm qua cuộc chiến, cho dù là chính nghĩa, cũng đã tạo cho ông một cái nhìn khác, một quan niệm / nhận thức khác, hết sức chân thành: “Chiến tranh, kháng chiến, không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may hối tiếc đã dốc hết tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang mà hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa khó gắn liền lại như cũ” (Cỏ lau, tr.478). Sự loay hoay tìm đường trước đó và sự ào ạt tuông chảy một cách hào sảng mở ra luồng gió đổi mới, tưởng không có gì mâu thuẫn mà thể hiện bản lĩnh của một trí thức và bi kịch của sự nhận thức về chiến tranh, bởi vì cũng chính nơi đây, bên “những chân trời vỏ đạn” vào cuối những năm sáu mươi, Nguyễn Minh Châu đã nhận ra và ghi vào nhật ký của mình rằng: “Trong cuộc chiến đấu để dành lại đất nước (…) Phải chăng bên cạnh những đức tính tốt đẹp thì tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc, vụ lợi còn được ẩn kín và đã có lúc ngấm ngầm phát triển đến mức gần như lộ liễu? Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người (…) Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài” . Quả là, cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người là cuộc chiến đấu lâu dài, dai dẳng, đòi hỏi bản lĩnh văn hóa và sự kiên trì của những người có lương tri, trong đó có nhà văn. Ngay chính Nguyễn Minh Châu, là người sớm nhận thức ra vấn đề, nhưng cũng phải gần ngót hai mươi năm sau (1987) mới chính thức phát ngôn Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa. Đoàn Cầm Thi có lý khi cho rằng: “Hành trình của ông vì vậy ẩn chứa những con đường ngầm” . Bằng những con đường ngầm ấy, ông đi từ “con người của chiến tranh” đến những Sắm vai, Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Chiếc thuyền ngoài xa, là những trang viết có tính tự truyện, thể hiện tâm lý tìm đường, là bước đường tự nhận thức và thái độ dấn thân lặng lẽ nhưng đầy dũng cảm, quyết liệt với một sức mạnh tư tưởng cường tráng của một nhà văn chân chính.

Nhiều người cho rằng, với tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, truyện vừa Cỏ lau và hầu hết các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975, đã chứng minh cho sự tự đổi mới trong tâm thức sáng tạo và tư duy nghệ thuật của tác giả, đi trước công cuộc đổi mới trong văn học cũng như trong xã hội . Ông đã góp phần vào tiến trình phát triển của ý thức xã hội, đã soi ngòi bút sắc sảo của mình vào chính bản thân sự nghiệp văn học mà ông đã thác cả cuộc đời của mình vào đó, để góp phần thúc đẩy sự nhìn / đánh giá lại, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội sau chiến tranh. Một lần đối chứng, Bến quê, Mảnh đất tình yêu đã đi sâu vào những vấn đề xã hội, để khái quát lên thành triết học nhân văn, dệt nên mảnh đất của đời người, của tình đời, và ít nhiều có ý thức và cảm quan dưới góc nhìn sinh thái học: “Tôi buông bút đi ra vườn. Sáng nay ngoài vườn sao có nhiều gió? Hẳn những ngọn gió này đã từng thổi qua mặt bà tôi, thổi vào cuộc đời đầy đau khổ và cô độc của bà tôi? Tôi lắng nghe tiếng lá reo quanh ào ào. Tôi nhìn lên vòm lá, muốn hỏi từng lá cây trong vườn – loài thảo mộc từng sống cùng thời với bà tôi – những cây nào đã từng đổ bóng xuống cái dáng đi một mình trong vườn của bà tôi, đã từng để rơi lá xanh hay lá vàng xuống vai bà tôi” (Sống mãi với cây xanh, tr.53).

Là người viết có ý thức sâu sắc về nghề, Nguyễn Minh Châu đã tự vạch ra cho mình một hướng tiếp cận hiện thực, có thể, còn có một đôi chỗ, đôi nơi, tính luận đề của truyện chưa tan vào máu của nhân vật, nổi lên một số đường ngang dọc như nét phác thảo chưa kịp xóa hết của người họa sĩ sau khi đã hoàn thành công việc, nhưng toàn bộ tư tưởng – nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu được khẳng định không thể phai mờ. Một con người Việt Nam đi từ nô lệ, nghèo khó đến với chiến tranh cách mạng và tự hoàn thiện mình trong công cuộc đổi mới. Cái tam giác nhất quán, trở thành trung tâm chi phối toàn bộ tư duy nghệ thuật của nhà văn (dẫu rằng tư duy ấy luôn vận động, đổi mới) là chân, thiện, mỹ - điều cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật, trở thành tiêu chuẩn của mọi thời đại, là định mệnh của văn chương, cột chặt, trì nặng tâm hồn mỗi nhà văn.

Còn phải kể thêm rằng, ngôn ngữ trần thuật tự nhiên như chính ngôn ngữ đời sống, được Nguyễn Minh Châu sử dụng, kết hợp với lối dẫn dắt cốt truyện đan cài, xâu chuỗi, có khi chuyện chưa thành “truyện” mà chỉ nhằm chuyển tải tư tưởng người viết, nhưng tính luận đề lại hiện ra giữa hai hàng chữ, hằn nổi lên giữa trang văn thân phận của con người sống động, dậy hẳn lên, thu hút người đọc. Thú thật, có thể đọc lại Cửa sông, Dấu chân người lính… những sáng tác giai đoạn đầu của ông, sẽ làm ta mệt mỏi. Nhưng nên bắt đầu từ chính những tác phẩm ấy, mới thấy hết được giá trị lớn lao của những tác phẩm sau, như Bến quê, Cỏ lau, Mảnh đất tình yêu… Điều đáng nói hơn, con người, không gian, thời gian trong truyện của ông bao giờ cũng cụ thể, nhưng lại có sức khai quát mang ý nghĩa của con người thời đại, đang sống trong nhiều miền quê khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Ấy là nhờ nhà văn có được khả năng am hiểu nhiều loại người trong đội ngũ những người ra trận – người lính - nhiều miền đất khác nhau đang hội tụ về cái nơi mà ông gọi là “chân trời vỏ đạn” – nơi địa đầu giới tuyến, nơi có cuộc đụng đầu lịch sử của dân tộc ta trong công cuộc chống ngoại xâm.

Nguyễn Minh Châu là một trong số ít các nhà văn trong đời sống, tạng người thích ngọt như là trái cây, chè ngọt Huế hơn là chua cay như bia, rượu. Nhưng trong văn chương của ông có cả vị ngọt ngào lẫn chua cay, đằm thắm lẫn dữ dội; có cả khói lửa, đạn bom lẫn hương vị ngọt lành, yêu đương lãng mạn… bởi ông sinh ra ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng có thể nói là toàn bộ những gì tạo nên sự nghiệp thành danh của ông là ở ký sự miền đất lửa (tên tập bút ký của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân, 1978). Miền đất nhỏ nhoi nhưng dày đặc đạn bom ấy đang còn in dấu chân ông, còn mãi ấm nóng, còn lưu lại dấu vết trong trái tim người đọc khắp mọi miền.

Theo tập “Những chân trời xanh thẳm” Phạm Phú Phong/NXB Hội Nhà văn, tháng 12- 2018

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)