1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Một giọng thơ nghiêng về ngẫm cảm

07/04/2020
Một giọng thơ nghiêng về ngẫm cảm

Liên tiếp trong ba năm, Đại tá Quân đội Nhân dân - Tiến sĩ Triết học Dương Văn Lượng, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Tổng kết Lý luận - Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng, đã cho ra đời ba tập thơ: “Khoảng lặng” tháng 11/2017, “Miền ký ức” tháng 9-2018 và “Hoa sóng” tháng 9/2019. Cả ba tập thơ đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép xuất bản.

Tôi có may mắn được làm “bà đỡ” cho cả ba tập thơ nói trên, với tư cách là người tổ chức bản thảo và người biên tập sơ bộ trước khi gửi đến Nhà xuất bản xin cấp giấy phép. Thơ Dương Văn Lượng đã thực sự cuốn hút tôi bởi một giọng điệu riêng của anh; mà theo tôi, đó là giọng điệu có xu hướng nghiêng về ngẫm cảm một cách mạnh mẽ.

Từ cảm nhận đến cảm nghiệm là một bước tiến của thơ ca Việt đương đại. Thơ ta trước đây hào hùng ở âm hưởng ngợi ca, cổ vũ, động viên, khích lệ. Thơ ta hiện nay sâu lắng thâm trầm ở giọng điệu nghiêng về chia sẻ nỗi niềm, đồng cảm đồng vọng tâm tư. Theo nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, đó là một bước chuyển đổi hệ thi pháp thơ rất quan trọng của thơ Việt. Thi sĩ tài năng Chế Lan Viên đã từng khẳng định rằng: “Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào các vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn”. Có lẽ sự vi diệu và siêu việt của thơ chính là ở chỗ đó?

Dương Văn Lượng say mê thơ từ sau khi anh nghỉ hưu, tức là từ sau khi anh rời khỏi công việc nghiên cứu lý luận chính trị - quân sự của một tiến sĩ Triết học với tư cách Trưởng ban Nghiên cứu của một viện khoa học. Cảm xúc thi ca đến với anh dào dạt sau một chặng đường đời không bình yên của một anh “Bộ đội Cụ Hồ” sau sóng gió bão táp của những cuộc chiến khốc liệt. Cái tôi trữ tình ấp ủ trong anh lâu ngày giờ đây mới có dịp bột phát qua nấu nung suy cảm về những sự việc mà anh từng trải qua, từng chứng kiến mong muốn được chia sẻ và đồng vọng.

Giọng điệu thơ của Dương Văn Lượng là một giọng điệu thơ giàu ngẫm cảm xuất phát từ một tình thơ chân thành, chập chững đi bước ban đầu “giữa nhạc và ý”. Thơ Dương Văn Lượng là thơ của một tiến sĩ Triết học tuy thiên về suy nghiệm, suy tưởng nhưng được dung dưỡng bởi tấm tình chân thành, chân thực đó nên ít nhiều đã tránh được sự nông cạn, có khả năng làm đắm say lòng người. Đúng như Bạch Cư Dị, một trong ba đại thụ thơ Đường Trung Hoa đã nói: “Trong thơ, tình là gốc, chữ là ngọn, thanh âm là hoa, còn ý nghĩ là quả”.

Tôi quý mến và trân trọng thơ Dương Văn Lượng là ở giọng điệu thơ nghiêng về ngẫm cảm như đã nói ở trên. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn tình cảm, cảm xúc trong thơ anh phải sâu đằm hơn nữa, đắm say hơn nữa.

Từ “Khoảng lặng” đến “Hoa sóng” là một bước phát triển của thơ Dương Văn Lượng trong chặng đường đầu của hành trình thơ anh, minh chứng cho nhận định của tôi về một giọng điệu thơ nghiêng về ngẫm cảm, vượt qua hệ thi pháp kể tả, suy luận, tiếp cận với hệ thi pháp mới: suy cảm và suy tưởng.

Trước hết, ngay từ tập thơ đầu tay “Khoảng lặng”, sự suy tưởng trong đứa con tinh thần đầu lòng này đã được bộc lộ khá rõ. Đây là ba “khoảng lặng” được Dương Văn Lượng chọn lựa có dụng ý để làm điểm tựa cho một cảm luận của mình:

“Có bản giao hưởng làm rung thính phòng đột nhiên im lặng

bỗng vút lên giai điệu say mê

Có tiếng hót chim hoạ mi

đang lúc ngân nga chợt dừng lại

bỗng vút lên lảnh lót

Giữa chiến trường giao tranh ác liệt có những khoảng lặng cần thiết

khoảng lặng tiếp thêm sức mạnh ban đầu...”.

Từ sự khẳng định ba “khoảng lặng” trên, những “khoảng lặng” của tạo vật và nhân sinh không phải là sự dừng lại chết cứng, mà là một tất yếu cần thiết để tạo nên bước phát triển tiếp theo, tác giả rút ra kết luận:

“Trong mỗi cuộc đời

ai cũng cần một khoảng lặng để nhìn rõ mình

nhìn rõ về nhau và bước tiếp...”.

Chất suy tưởng trong bài  thơ  khá  rõ,  nhưng do nặng về nghĩ mà nhẹ về cảm, nên sự lắng đọng trong cảm quan của người tiếp nhận vẫn bị hạn chế. Nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật là tiếng “keng” của đồng xu rơi khi chạm đất thiếu lảnh lót và âm vang, không để lại dư ba. Tuy nhiên, trong tập thơ này, Dương Văn Lượng có những bài thơ viết theo thi pháp thơ truyền thống như: “Quê hương”, “Niềm quê”, “Nghe em hát điệu hò khoan Lệ Thuỷ”,“ Dấu chân trên biển”, “Gửi em chút mát quê nhà”… đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm.

Bước sang tập thơ thứ hai “Miền ký ức”, Dương Văn Lượng đã cố gắng khắc phục những hạn chế ở tập thơ đầu tiên. Những bài thơ viết theo cảm hứng suy tưởng được chắp thêm đôi cánh của cảm xúc, nên ý thơ mượt mà, uyển chuyển hơn, dễ đọng lắng trong lòng người đọc hơn. Đó là các bài: “Trăn trở luống cày”, “Tri âm”, “Lấp lánh huân chương”, “Duyên kiếp đời sen”, “Kiếp nến”…

Đặc biệt, ở tập thứ ba “Hoa sóng”, những bài thơ viết theo cảm hứng suy ngẫm, suy tưởng tăng lên nhiều hơn hai tập thơ trước. Những thăng trầm cuộc sống, những trải nghiệm trên đường đời, sau “khoảng lặng” nhất định, sau những biến thiên lịch sử và sự trôi chảy của thời gian, qua suy ngẫm và cảm nhận, được tái hiện nồng ấm tình người, tình đời trong thơ, đã làm cho thơ Dương Văn Lượng giàu có hơn về ngẫm cảm và trở nên hấp dẫn người đọc hơn.

Đây là “Hoa sóng”: 

“Sóng ào ạt xô bờ

Con ngựa trắng tung bờm mỏm đá 

Đất và trời nghiêng ngả

Biển rùng mình... nở hoa!

Em yên giấc trong nhà 

Anh êm đềm biển rộng 

Thì em ơi

Tìm đâu hoa sóng?

Hoa sóng cho đời Hoa sóng cho thơ”.

“Hoa sóng” là kết tinh của sự thăng hoa, sự siêu việt của thơ như một ám dụ. Không trăn trở, vật lộn, không kinh qua một cơn “rùng mình” của biển cả thì không thể có được những chùm hoa trắng trong tuyệt vời cho đời và cho thơ như một khát khao bỏng cháy.

Đây là “Điều không muốn”: 

“Mảnh đạn ghim trong đầu 

Mấy chục năm còn nhức nhối 

Mỗi khi trở gió

Âm thầm

Gặm nỗi chiến tranh...”.

“Gặm nỗi chiến tranh” là một ngẫm cảm sâu lắng về “Mảnh đạn ghim trong đầu”. Thơ như một nỗi đau nhức nhối khía vào lương tâm người đọc.

Đây là “Lột xác”:

“Trườn lại trườn qua bụi cây có gai 

Con rắn oằn lưng lột xác

Tự làm mới mình

Cái xác cũ bỏ lại trên cành Găm nhiều gai nhọn...”.

Không có cuộc lột xác nào lại không đau đớn, lại không “Găm nhiều gai nhọn”. Phải chăng cuộc lột xác của thơ cũng như vậy?

Và đây là “Những con giun”: 

“Có những con giun

Sống trong đất, ăn đất

Có những cón giun

Sống trong người, ăn người

Còn có những con giun Không sống trong đất 

Không sống trong người 

Ăn cả người lẫn đất!”.

Ý thơ mở ra trường suy cảm, đòi hỏi mỗi người phải tìm cho mình một lời giải đáp thoả đáng...

“Hoa sóng” là tập thơ nên đọc và rất đáng đọc. 

Quang Hoài/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/mot-giong-tho-nghieng-ve-ngam-cam_258739.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)