1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Một cách tính thời gian bất ngờ, thú vị

07/11/2021
Nguyễn Vũ Tiềm

Thời gian của chúng tôi
                                                         
Năm mới của chúng tôi
không bắt đầu từ tháng Giêng
tháng Chín gõ ba hồi chín tiếng
cổng trường mở ra
năm mới ùa vào!
 
Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao
tiếng nói chen nhau, sân trường thành chật hẹp
mỗi tiết học bốn mươi lăm phút
cả chiều dài thế kỷ xếp sao đây?
 
Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng
vầng trăng hạn vơi đầy cùng bình mực
quỹ đạo hành tinh cũng vẽ hình e- líp
trang hình học không gian nối điểm sáng sao trời.
 
Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu
Hồi trống gọi những niềm vui tới lớp
Đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết
Đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu.
 
Thời gian của chúng tôi không tính tháng, tính ngày,
tính bằng những lớp người lớn lên, nối tiếp
thu vừa đón lứa đầu mùa e ấp
hè đã chào lớp tuổi chín ra đi.
                                                    Đình Xuyên, 1985   
(Trích trong tập thơ Thức đợi hoa quỳnh, NXB Hội Nhà văn, 1991)
 
Một cách tính thời gian bất ngờ, thú vị
 
Lời bình của Nguyễn Thị Thiện
 
Thời gian là dòng chảy vô hình, thứ tài sản đặc biệt ai cũng được chia đều, song cách tính thời gian thì không phải ai cũng giống nhau. Bài thơ Thời gian của chúng tôi do nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Vũ Tiềm sáng tác đọng lại sâu đậm trong lòng người bởi cách tính thời gian và những cảm xúc đặc biệt với nghề dạy học.
 
Lựa chọn thể thơ tự do phù hợp với cảm xúc phóng khoáng, lúc tươi trẻ hồn nhiên, khi tha thiết sâu lắng, ngay những câu mở đầu, tác giả đã nói về cách tính thời gian thật khác thường: “Năm mới của chúng tôi/ không bắt đầu từ tháng Giêng/ tháng Chín gõ ba hồi chín tiếng/ cổng trường mở ra/ năm mới ùa vào”. Những từ chỉ tháng Giêng và tháng Chín được viết hoa nhằm gây sự chú ý. Lẽ thường, người ta tính thời gian theo chu kì vòng quay của mặt trời, một năm bắt đầu từ tháng Giêng và bốn mùa xuân - hạ - thu - đông luân phiên tuần tự. Nhưng ở đây, tác giả lại có sự cảm nhận rất khác lạ về Năm mới của chúng tôi. Chúng tôi ở đây là tất thảy những người làm nghề dạy học, bao gồm cả những người làm công việc khác trong hệ thống giáo dục. Nhưng đại diện tiêu biểu nhất cho cách tính thời gian ấy là các nhà giáo, những người lái đò trên dòng sông chữ. Mỗi năm học mới đều khởi đầu từ tháng Chín với lễ khai giảng - thời khắc vô cùng thiêng liêng của cả thầy và trò, đó là thời điểm “cổng trường mở ra/ năm mới ùa vào”. Cách nói năm mới ùa vào thật ấn tượng và thú vị. Với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, người viết đã hữu hình khái niệm thời gian trong khi thời gian là một dòng chảy vô hình. Điều đó nhấn mạnh niềm vui náo nức của thầy trò trước năm học mới. Cả thầy và trò ai cũng nụ cười thường trực trên môi cùng ánh rạng ngời hạnh phúc: “Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao/ tiếng nói chen nhau sân trường thành chật hẹp”. Câu thơ đẹp như tâm hồn trong sáng, cao đẹp của những người thầy không ngừng ngày đêm cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa để trao truyền, gợi mở kiến thức cho học trò. Ý thơ hàm súc, hấp dẫn bởi sự bất ngờ qua cách thi sĩ dùng sáng tạo hình ảnh ẩn dụ. Vào giờ học, cả trường yên tĩnh, sân trường im ắng lạ thường. Đến lúc ra chơi, tất cả túa ra, sân trường bỗng thành chật hẹp bởi sự nhộn nhịp, nô đùa của học sinh do các em gắn bó với trường với lớp như ngôi nhà thứ hai của mình. Còn các thầy cô mỗi ngày:“Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng/ vầng trăng hạn vơi đầy cùng bình mực/ quỹ đạo hành tinh cũng vẽ hình e- líp/ trang hình học không gian nối điểm sáng sao trời”. Từng là nhà giáo trực giảng dạy, lại là nhà báo ở lĩnh vực giáo dục nhiều năm, tác giả thấu hiểu sâu sắc hoạt động dạy học qua việc sử dụng những thi liệu là một số khái niệm toán học. Nhà thơ muốn mọi người thấu hiểu lao động đặc thù của người thầy - “bà đỡ của trí tuệ nhân loại”, nghề mà sản phẩm tạo ra là con người nên luôn trăn trở, sáng tạo trong nhiều khâu để có được bài giảng thành công nhất kể từ khâu soạn giáo án, chuẩn bị giáo cụ trực quan và nhất là khâu lên lớp qua mỗi tiết học 45 phút. Những lao động miệt mài, thầm lặng đó được tác giả tái hiện rất xúc động: “Sáng hồi hộp từng trang, đêm thao thức từng dòng”. Đầu buổi, người thầy thường hồi hộp, ở trong trạng thái trái tim đập nhanh, lo lắng không yên giờ dạy liệu có thành công? Là con người với đủ mọi cung bậc cảm xúc, nhưng một khi đã lên lớp, người thầy gác lại những lo toan, vui buồn của đời thường để tâm thái thoải mái nhằm tốt nhất cho bài giảng: “Khép lại nhà bao ấm lạnh, lo âu/ Hồi trống gọi những niềm vui tới lớp/ Đồng nghiệp ơi, trang đời, trang viết/ Đêm trắng làm sao giấu nổi trên đầu”. Sự hy sinh thầm lặng của người thầy khiến bao học trò xúc động. Cảm xúc tri ân đó khiến học sinh đã tặng thầy giáo của mình những vần thơ:“Hoa phấn nhẹ hơn sương/ Trắng hơn bông tuyết/ Ai đã nhận những trắng trong tinh khiết/ Của mỗi giờ thầy lên lớp trồng hoa?”. Khổ thơ cuối bài có lẽ là khổ thơ hay nhất, thêm một lần nữa tác giả khẳng định cách tính thời gian độc đáo, hàm nghĩa sâu sắc. Thời gian của nhà giáo không tính bằng những đơn vị đo lường thông thường: “Thời gian của chúng tôi không tính tháng, tính ngày,/ tính bằng những lớp người lớn lên, nối tiếp/ thu vừa đón lứa đầu mùa e ấp/ hè đã chào lớp tuổi chín ra đi…”. Cách dùng từ lứa đầu mùa e ấp nói về học trò đầu cấp rất đắt giá, thể hiện tình cảm yêu thương, trìu mến và cả những vụng dại đáng yêu ở các em. Cùng với tháng năm, dưới sự dạy bảo dìu dắt của thầy cô, học trò như lứa quả non xanh cứ chín dần lên cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Mùa phượng nở cũng là mùa thi đến, lứa trò tuổi chín cuối cấp tốt nghiệp ra trường như đàn chim vỗ cánh tung bay khắp mọi phương trời, góp sức nhỏ của mình vào sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Thầy cô dành biết bao tình cảm quyến luyến, xúc động khi phải chia xa mỗi lớp học trò.
 
Trong bài ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và chất trí tuệ giúp người đọc hiểu rõ hơn lao động giàu giá trị nhân văn của nghề trồng người. Các câu trong mỗi khổ thơ được viết liền mạch không có dấu chấm câu là dụng ý nghệ thuật thể hiện dòng cảm xúc trào dâng nồng nhiệt như ngọn lửa đam mê của người thầy. Nếu không yêu học trò, không yêu tha thiết và tự hào về nghề dạy học, tác giả không thể có được cách tính thời gian bất ngờ, thú vị và những vần thơ sâu sắc, dễ đi vào lòng người như thế.

Người Hà Nội

https://nguoihanoi.com.vn/mot-cach-tinh-thoi-gian-bat-ngo-thu-vi_270204.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)