1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Làm gì để văn học thiếu nhi "bừng thức"

22/06/2021
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” - nhận thức sâu sắc điều đó, ở nhiều lĩnh vực của đời sống, cộng đồng xã hội đã và đang làm được rất nhiều việc cho trẻ em. Trong văn học, nghệ thuật, nhìn tổng quát, cũng thấy có nhiều thành tựu, không ít văn nghệ sĩ có đóng góp lớn. Ấy thế mà, cũng vừa nhìn chung lại vừa nhìn cụ thể, vẫn thấy lúc này lúc khác, nơi này nơi khác, văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em vẫn bị xem nhẹ hoặc có phần lệch hướng.
Làm gì để văn học thiếu nhi
Một số tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi của Nxb Kim Đồng
Cần coi trọng văn học thiếu nhi
 
Văn học có một vai trò không nhỏ đối với việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Nhân cách trẻ em dần dần được hoàn thiện khi chúng yêu thích văn thơ. Văn thơ vừa có tác dụng giáo dục đạo đức - thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao kiến thức và trí tuệ, lại vừa là phương tiện giải trí tích cực - có thể còn là trò chơi đẹp và thú vị - cho độc giả nhỏ tuổi. Thông qua thơ văn, tâm hồn, kiến thức và trí tuệ của trẻ em được bồi đắp hàng ngày, hàng tháng, hàng năm qua nhiều thế hệ từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành, tạo nên nhân cách toàn diện - một phẩm chất NGƯỜI, chắc chắn sẽ là vốn liếng vô cùng quý báu, cho xã hội, đất nước mai sau. Đến lượt trẻ em, chúng bồi dưỡng trở lại cho người lớn, trước tiên và chủ yếu là về tâm hồn và nhân cách, ở một mức độ và sắc thái riêng.
 
Để nâng cao chất lượng sáng tác cho trẻ em, nhà văn không nên nghĩ đơn thuần là chỉ viết cho trẻ em mà cần viết vì trẻ em. Tất cả vì trẻ em mà viết. Viết bằng cả tâm huyết và năng lực nghề nghiệp, tấm lòng yêu thương, sức lực, thời gian, vốn trải nghiệm quá khứ, kỷ niệm tuổi thơ… Xa-muy-en Mác-sác, nhà văn Liên Xô nổi tiếng viết cho trẻ em từng nói: “Muốn đem lại nhiều cho độc giả thì phải đem cho hết, hết tất cả những gì mình có”. Câu dặn dò ấy cũng quá gần gũi với lời khuyên như của nhân dân ta: “Hãy dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất”.
 
Tuy nhiên, chỉ vậy thôi có lẽ chưa đủ, nếu nhà văn thiếu tài năng, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu điều kiện sáng tạo, lười lao động... sẽ khó có thể chuyển tải ý nghĩa giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ cũng như yếu tố giải trí lành mạnh trong tác phẩm để có thể lôi cuốn bạn đọc trẻ thơ. Hiện nay, riêng ở lĩnh vực sáng tác thơ thì nhược điểm nhạt nhẽo, mòn lặp, khô cứng, sơ sài… không phải là khó thấy. Viết cho trẻ em, thơ cũng như văn, cần có 6 yếu tố: một là phải xác định cụ thể lứa tuổi bạn đọc để viết; hai là chất hài hước, thơ ngây; ba là tính hoạt động, đối thoại, biến hóa; bốn là cái mới lạ, gợi trí tưởng tượng; năm là chất truyện, chuyện kể và sáu là chất dân gian. Chỉ có ba, bốn yếu tố cũng được (tùy theo thể loại) nhưng nếu quá mờ nhạt hoặc hoàn toàn không có yếu tố nào thì tác phẩm thất bại.
 
Để văn học thiếu nhi “bừng thức”
 
Thực tế hiện nay cho thấy khi internet dần phủ kín từ đô thị đến thôn quê, văn hóa nghe nhìn - giải trí đơn thuần lên ngôi thì văn học cho trẻ em cũng đồng thời bị lấn át và xem nhẹ theo. Thêm nữa, áp lực nặng nề về học hành cũng khiến các em không còn đủ tâm trí, thời gian ngó ngàng đến sách báo thơ văn.
 
Cũng bởi thế, văn học cho trẻ em cần sự quan tâm kỹ lưỡng, hỗ trợ thường xuyên của gia đình, nhà trường, rộng hơn là của toàn xã hội (các tổ chức, đoàn thể, ban ngành, báo chí, nhà xuất bản). Trong gia đình, người lớn nên khuyến khích trẻ em đọc sách bằng việc mua sách, lựa chọn sách phù hợp cho trẻ. Nếu trẻ em không được khuyến khích, chỉ dẫn về đọc văn, học văn thì sự thiệt thòi không chỉ riêng với các em mà đối với cả toàn xã hội. Coi trọng văn học viết cho trẻ em là một thái độ đúng đắn, từ đó có những việc làm cần thiết cho thế hệ tương lai của đất nước.
 
Nhiều năm trở lại đây các cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc thiếu nhi, Nxb Kim Đồng… thi thoảng lại tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi. Cũng có khi Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức, mời các cơ quan vừa nêu phối hợp. Nhưng do nhiều lẽ bất khả kháng mà đã lâu hoạt động sáng tác cho trẻ em vẫn yên bình. 
 
Nên chăng cần phải quan tâm hơn nữa đối với văn học viết cho trẻ em. Trước tiên là có thêm nhiều cuộc vận động sáng tác, rồi tổ chức các hội nghị, hội thảo, trại viết, đi thực tế, “đặt hàng” đối với tác giả, trao giải thưởng… Báo và tạp chí văn học, nghệ thuật nên có định kỳ đăng bài phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi. Sách viết cho trẻ em (phải đạt chất lượng mới cấp giấy phép) cần được miễn lệ phí xuất bản, thậm chí được trả nhuận bút. Những ấn phẩm của Trung ương Đoàn, của Nxb Giáo dục Việt Nam phục vụ thiếu nhi, học sinh cần được Nhà nước bù lỗ. Số bản sách viết cho các em cần được tăng lên. Khi đất nước gần trăm triệu dân, trẻ em đã vài chục triệu người, mà chỉ hạn chế 300, 500 hoặc 1000 cuốn cho mỗi đầu sách thì khác nào muối bỏ biển. Thêm nữa, cần có một “cánh đồng cấy gặt” của văn học cho trẻ em, ấy là tờ báo Văn học cho trẻ em. Nếu như khu vực văn học đặc biệt, đặc thù này được Trung ương đến địa phương quan tâm ráo riết hơn, thường xuyên hơn thì chắc chắn hoạt động sáng tác cho thiếu nhi sẽ bừng thức, sôi nổi.
 
Xin được dẫn lại ý kiến của nhà nghiên cứu về văn học viết cho trẻ em, PGS. Vân Thanh từ ba mươi năm trước: “Phải chăng ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật cho thiếu nhi này, cần tránh cho người viết, người làm (phải chịu) cái trách nhiệm tự nuôi sống và kiếm lãi… Phải có sự quan tâm của toàn xã hội, của những người có trách nhiệm quản lý xã hội và trước hết của không ít các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội có liên quan đến việc nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi” (tạp chí Văn học, 5-1993). Điều mà PGS. Vân Thanh đau đáu ấy có lẽ đến nay vẫn còn như mới... 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ X đã phát biểu chỉ đạo: “Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi, đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là CON NGƯỜI VIỆT NAM. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới” (báo Văn nghệ số 49 (28/11/2020). Tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X cũng nêu chủ trương quan tâm sâu sắc đến văn học cho trẻ em, cụ thể là sẽ tổ chức trao giải thưởng hằng năm và phát động cuộc vận động sáng tác.
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/lam-gi-de-van-hoc-thieu-nhi-bung-thuc_266907.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)