1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Huy Cận quê ở hành tinh

27/10/2019
Huy Cận là tên thật. Ông họ Cù. Sinh ngày 31/5/1919, tại một làng chân núi, thuộc xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đang học lớp tư, Huy Cận được ông cậu đưa vào Huế nuôi cho học thẳng đến Tú tài toàn phần (1939). Khi còn ngồi trên ghế trường trung học, 1938, Huy Cận đã có thơ đăng trên số Tết báo Ngày nay, bài Chiều xưa, và nhanh chóng lọt vào mắt xanh nhóm Tự lực văn đoàn, một tổ chức tập hợp những cây bút nổi tiếng thời bấy giờ. Tháng 11/1940, tập thơ đầu tay Lửa thiêng được Nhà xuất bản Đời nay của văn đoàn này ấn hành.

 

Huy Cận là tên thật. Ông họ Cù. Sinh ngày 31/5/1919, tại một làng chân núi, thuộc xã Ân Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đang học lớp tư, Huy Cận được ông cậu đưa vào Huế nuôi cho học thẳng đến Tú tài toàn phần (1939). Khi còn ngồi trên ghế trường trung học, 1938, Huy Cận đã có thơ đăng trên số Tết báo Ngày nay, bài Chiều xưa, và nhanh chóng lọt vào mắt xanh nhóm Tự lực văn đoàn, một tổ chức tập hợp những cây bút nổi tiếng thời bấy giờ. Tháng 11/1940, tập thơ đầu tay Lửa thiêng được Nhà xuất bản Đời nay của văn đoàn này ấn hành.

Những khoảng rộng xa trong hồn thơ Huy Cận

Một đặc sắc trong cảm hứng thơ Huy Cận: mở kích thước tâm hồn vào rộng xa, nối cái cá thể hữu hạn của cảm xúc con người vào cái vĩnh hằng là tạo vật và thời gian. Tôi muốn dùng khái niệm tạo vật thay cho khái niệm vũ trụ quen được gán cho Huy Cận như một định tính cho cảm xúc của ông. Tạo vật có nội hàm rộng hơn vũ trụ mà lại gần với người hơn:

Sông chảy chuyện trò với cá

Sông, cá là tạo vật. Nghe được nó chuyện trò là Huy Cận, là nỗi cảm thông với tạo vật. Với sự liên thông giao hòa với tạo vật, Huy Cận nhìn bà mẹ đứng giữa lũ con và thấy: “Như cây sai mẹ đứng giữa chùm con”.

Ông cảm nhận cái thiên nhiên thường ngày trong cõi tinh vi của sự sống tạo vật, như được tham gia cùng tạo hoá:

Nghe nhân thơm trong trái nặng

Nghe nhựa ấm trong cành thưa

(Chín)

Nhân, trái, nhựa, cành là khách thể quanh ta, nó vô cảm. Huy Cận sống cùng nó, thổi vào nó sự sống, nó cựa quậy và biết xúc cảm: thơm, nặng, ấm, thưa.

Nhiều lần Huy Cận đã lấy thân thể người nhỏ nhoi kích thước để đo vào rộng xa “Chân đi đo đạc cả chân trời”. Câu thơ này chứa trong lòng nó lịch sử tiến hóa nhân loại. Thước đo thô sơ nhất, gần gụi nhất của người là bước chân mình. Đến bây giờ thì người đo được cả khoảng rộng của thiên hà. Câu thơ có lí, có tầm triết học. Nhưng nơi lưu ý của ta lại ở cái tình tạo vật cố hữu của Huy Cận: Con người luôn sóng đôi với tạo vật và sáng tạo ngang tầm tạo hóa, nó là trung tâm của muôn loài:

Chân đi đo đạc cả chân trời

Gió cày, mưa cuốc, chim gieo hạt

Dây lá bò quanh mát bóng người

(Dưa An Tiêm)

Tiếng Việt ta rất kì lạ: thân xác người luôn luôn được gắn vào vũ trụ: chân trời, mặt biển, đầu núi, lưng đèo thậm chí là cả ruột đất, rốn bể… Ngôn ngữ ấy phải chăng là biểu hiện của một nền triết học lấy con người làm chuẩn mực, coi người là vũ trụ thu nhỏ? Huy Cận say đắm tạo vật, quấn quýt với cõi rộng xa nhưng ông không siêu hình, không mất hút vì trong ông luôn ấm áp tình đời trĩu nặng nỗi lo, vui của người.

Thời gian là một phạm trù song hành với tạo vật trong hồn Huy Cận. Đôi lúc nó lẫn vào nhau:

Nghe ran trong đá bờ xưa cũ

Những hạt thời gian như cát tơi

(Trời sao trên biển)

Trong hạt cát nhỏ nhoi, Huy Cận nghe được sự sống ran lên trong lòng nó. Sự sống ấy, nhiệt lượng ấy có nguồn gốc ở thời gian. Hạt cát nhỏ đựng trong nó thời gian lớn. Thời gian ngủ chết hàng triệu năm, chỉ hồn người đánh thức nó dậy. Từ những bờ xưa cũ nó ran lên với bây giờ Huy Cận có tài truy lĩnh thời gian. Trong bài Trò chuyện với Kim tự tháp (thật ra là trò chuyện với thời gian), ông vào bài bằng một khung cảnh kì vĩ của sức cảm nhận thời gian. Thời gian hóa thân trong cát, cát lặng và cát bay:

…Mênh mông sa mạc. Cát làm ngày

Cát làm đêm nữa. Trăng phơi cát

Sao sáng đằng xa hay cát bay

Hình như tuổi càng cao, con người thấy ranh giới sống chết càng hẹp lại. Thăm nghĩa địa làng (1993) Huy Cận thấy được cái “bất tử” của cha ông, những người lập ấp dựng làng xưa. Tứ thơ bình dị ấm áp:

Làng tôi còn đó, nước bên cầu

Bâng khuâng nước chảy còn in bóng

Những lớp người qua dắt díu nhau

Con người bất tử trong sản phẩm lao động của họ. Nhà điêu khắc Rôđanh sống với người qua bức tượng Mùa xuân vĩnh cửu, nụ hôn đắm đuối làm đá run rẩy hoá da thịt người, thịt da người ở phút giây kì diệu ấy lại làm thiêng trời đất. Huy Cận thấy bàn tay người là biểu hiện cao nhất của đời sống nhân loại. “Bàn tay ta ấm nóng ham đời”, bàn tay là ăng ten của tâm hồn, bàn tay cầm búa gõ vào số mệnh và trở thành thần thánh (như Mikenlăng). Với các nghệ sĩ, thể phách họ ra đi, nhưng tâm hồn ở lại, Huy Cận giao lưu với họ “Ô hay mình lại gặp mình”. Ông ý thức thân ta hạt bụi mà vũ trụ lại mênh mông, vậy mà ta không lạc mất, ta còn, vì lòng ta kết cùng nhân loại, ở chung cùng nhân loại:

Mênh mông vũ trụ đâu là rốn

Đâu cũng lòng ta đến ở chung

(Bàn đại ngã)

Quê ở hành tinh 

Huy Cận lãng mạn, Huy Cận vươn vào cõi rộng xa… nhưng chỗ xuất phát lại là mọi cung bậc của phận con người trong cõi nhân gian hiện thực. Có điều, với bút pháp lãng mạn, thơ không thể kể sự kiện, nó chỉ có cái dấu vết của sự kiện in trên trái tim nhà thơ. Bài Buồn đêm mưa, sự kiện thực là đêm mưa, dấu vết để lại là nỗi buồn. Nỗi buồn mang sắc thái không gian: 

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Buồn vì nhớ cõi rộng xa. Vì rộng xa trong cõi nhớ mà run lạnh cái nỗi hàn hiện thực. 

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn

Sau Cách mạng tháng Tám, khuynh hướng hiện thực thành chủ đạo của cả nền thơ. Huy Cận nhập vào dòng chủ lưu ấy bằng cách đi riêng của ông, cách đi của bút pháp Lửa thiêng. Phần u ẩn bớt đi, phần ấm nóng tăng thêm. Đoàn thuyền đánh cá là thành công mở đầu tiêu biểu cho chặng mới. Hiện thực mà thơ chiếm lĩnh là công việc đánh cá đêm của một hợp tác xá ngư nghiệp. Đề tài lao động quen thuộc của một thời. Dễ khô khan, mòn nhạt lắm lắm. Ông đã đặt đề tài vào từ trường cảm xúc của mình. Thành tựu của bài thơ không nệ vào kĩ thuật đánh bắt hay tính năng hải sản các loại cá. Huy Cận bám vào gốc rễ hiện thực là tâm trạng phấn chấn của người dân hồi đó để vượt lên trên hiện thực. Ông đã “lừa” được đoàn thuyền đánh cá vào cái lưới vũ trụ của ông. Ngòi bút ông đã tung hoành đầy cảm hứng, tạo dựng một môi trường lao động kì ảo đầy lãng mạn, mà vẫn phù hợp với tâm lí người trong cuộc:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng.

Cá cũng không còn là cá của ngành thủy sản mà là cá của ông nhà thơ, cá đầy tính thẩm mĩ, trong cơn say cảm hứng, ông còn gọi cá bằng em:

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở, sao lùa nước Hạ Long.

Bài thơ như bức sơn mài rực rỡ. Thiên nhiên tạo kích thước lớn lao cho lao động của con người. Những yếu tố thuộc về người trong bài thơ này đã giữ vai trò liên kết thiên nhiên lại. Gió thành lái trăng thành buồm trong con thuyền của người và con thuyền của người lại nối kết trời với biển:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng.

Nhìn qua cửa sổ máy bay, mây trắng miên man trải ra vô tận, Huy Cận da diết nhớ cánh đồng quê mặt đất:

Nắng chiều mây cũng in nghiêng bóng

Cũng một làn mây lững thững xa

(Lại thấy thần tiên đất nước hoa)

Cảm xúc vũ trụ của Huy Cận mà nhiều người đã nhắc đến, không phải là thứ cảm xúc trên trời, nó dằng dịt với mặt đất. Ở câu thơ này, cõi trời tìm về gắn vào cõi người mà tạo nên xúc động. Đây là thứ hai của cảm xúc Huy Cận, tạm gọi là phía nặng lòng đời đối cực với phía khoảng rộng xa vừa nói ở trên. Đấy là nỗi cảm thông thấm thía của ông trước mọi nỗi niềm của con người.

Huy Cận đặc biệt sâu sắc, đằm thắm trong vạt đề tài nông thôn. Ông luôn tạo được những không gian quê hương đầm ấm, khơi gợi yêu thương, thấm thía, giàu ý nghĩa triết học nhân sinh (khác lắm so với nông thôn Nguyễn Bính). Một buổi cày về:

Người với bò đi đôi bóng đậm

Khoan thai chân bước trở về nhà

(Xong buổi cày)

Một buổi sớm mai gà gáy:

Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi

(Sớm mai gà gáy)

Một giờ chính ngọ:

Nắng âm âm, không khí nở nang nhiều

Cả vũ trụ như đang giờ ấp ủ.

(Giờ trưa)

Nhận ra những thần thái ấy, Huy Cận như đã nhập cả hồn mình vào những mảnh mai nhỏ bé, cực nhỏ bé nhưng chính nó tạo nên cái hương, cái vị của đời. Thành công của Huy Cận ở cái vạt thơ gắn với đời này gợi cho chúng ta một quan niệm đúng mực về cái gọi là thực tế trong thơ. Thơ không thể là những ghi chép về công việc, về phong tục, càng không thể là biên bản thi đua. Thực tế của thơ là cái chất đời tạo nên cảm xúc.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, hầu hết các nhà thơ lãng mạn thoát thai từ Phong trào Thơ mới đều dũng cảm đi qua cuộc chuyển đổi cảm xúc khá khốc liệt. Khốc liệt đến mức đã gọi đó là cuộc lột xác. Từ bỏ thành tựu cũ đã làm nên tên tuổi mình để khai sinh cho tâm hồn mình một nguồn thơ chiến đấu, phục vụ sự nghiệp kháng chiến cứu nước. Các nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Chế Lan viên, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư... chấp nhận những sản phẩm trồi trụt, ngây ngô, sống sượng của cuộc lên đường mới. Cuộc phấn đấu ấy kéo dài hơn cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Huy Cận là người duy nhất không rơi vào tình thế “ngây ngô" ấy. Ông không vội vã từ bỏ thành tựu quá khứ mà kiên nhẫn đợi trong tâm hồn mình chín một mùa cảm xúc mới. Và ông đã chín trong chùm thơ 15 bài viết ở vùng mỏ Quảng Ninh năm 1958, in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng. Vẫn là tạng cảm xúc Huy Cận: sự lắng nghe của cả tâm và trí vào trời đất, kiếp người. Không có sự ngắt đôi ta lìa ta như các bạn thơ khác cùng thế hệ, mà vẫn làm trọn nhiệm vụ chiến sĩ của nhà thơ. Chỉ đọc  tên các tập thơ của ông chúng ta cũng đã thấy mạch cảm hứng thống nhất xâu chuỗi trong cả đời thơ: Lửa thiêng, Vũ trụ ca, Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Ngôi nhà giữa nắng... Trước và sau cách mạng vẫn chung một nguồn mạch ấy. Chỗ khác biệt của riêng ông không phải là chặng sau triệt tiêu chặng trước (lột xác) mà là bổ sung nhau. Huy Cận khi xưa hay sầu thì bây giờ mở thêm những tầng nghĩ mới mà thành Huy Cận lạc quan. Ngay cả khi hết ở đời, như lúc này đây, ông đã đi xa, nhưng trong không gian này, ta vẫn thấy ông vui, lấp lánh vui, hiện diện và trò chuyện với chúng ta:

Điều chi chưa nói xin trao sóng

Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)