1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Dấu ấn lịch sử trong kỳ đài văn chương

29/12/2020
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946 - Ảnh tư liệu
 
Không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” (2/9/1945), thực dân Pháp nấp sau lưng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945). Có một cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra trước “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài lâu đã từng” (Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng). Và hơn một năm sau đó, ngày 19/12/1946, tiếng súng toàn quốc kháng chiến đã nổ ra. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (thuộc địa phận Chương Mỹ, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm thoắt đã 74 năm trôi qua, khoảnh khắc lịch sử đó đã đi vào nghệ thuật ngôn từ, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, nhiếp ảnh,…Nhưng có lẽ dấu ấn lịch sử này vẫn đậm đà nhất trong kỳ đài văn chương.
 
Ngay trong đêm lịch sử 19/12/1946 nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết bài thơ “Tạm biệt em, Nhà hát Thủ đô ơi!”. Là người làm thơ và nghệ thuật biểu diễn (sân khấu), Trần Huyền Trân đã có một thời gắn bó với Nhà hát Lớn ở Thủ đô. Kỷ niệm này được nhắc lại như một lời tự sự: “Mới mười bảy tháng trời tri kỷ/ Thôi đành tạm biệt nhé em ơi/ Ta đi bồi hồi/ Em ở lại sao nhỉ/ Em ơi”. Một phép nhân hóa thông thường (gọi Nhà hát Lớn Hà Nội là Em) nhưng biểu lộ đầy đủ và sâu sắc tình cảm của nhà thơ với mảnh đất nghìn năm văn vật. Giờ phút chia tay đã điểm, nhà thơ cùng chung tâm sự với thế hệ của mình: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Nguyễn Đình Thi - “Đất nước”). Cái tâm thế hừng hực và dứt khoát ấy của những “anh hùng mã thượng”, những “lãng tử”, “hiệp sĩ” phóng chiếu trong không khí hào sảng của thời cuộc: “Thôi từ nay ghi nhớ/ Mười chín tháng Chạp đêm nay/ Rồng nghìn thuở bay/ Vẫn bay nghìn thưở (…)/ Thôi chào em! Chào muôn hình bóng cũ/ Nửa đêm nay lịch sử/ Tuyên án giặc thù/ Mai xóm làng đốt lửa/ Ta lại đi diễn kịch, ngâm thơ/ Hẹn trở về trong gió tự do/ Niềm tự hào giải phóng Thủ đô/ Ta lại bên em gương nhà hát cũ/ Soi cuộc đời không thẹn trăng thu”. Lời hẹn lịch sử ấy choán mất một khoảng thời gian 3000 ngày kháng chiến gian nan, trường kỳ, kết thúc bằng “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu - “Ba mươi năm đời ta có Đảng”). Cho đến tận hôm nay, Nhà hát Lớn vẫn là một biểu tượng của văn hóa đất Kinh kỳ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
 
Cũng ngay trong đêm lịch sử 19/12/1946, nhà thơ Ngô Linh Ngọc dâng trào cảm xúc viết bài thơ “Trăng đêm mười chín”. Bài thơ đượm cái không khí của một cuộc chiến ở Thủ đô “Ánh điện phố phường vụt tắt/ Bốc cao rồi, ngọn lửa hồn ta/ Răng nghiến muốn đau, trán quầng nhịn nhục/ Đêm nay thỏa nhé, khúc quân ca/ Lửa đốt sân bay, pháo dồn Cửa Bắc/ Phố hẻm, ngõ sâu diệt lô cốt giặc/ Chặn bước thù, sấu ngả nằm ngang/ Ét xăng chai, lật ngửa xác xe tăng”. Đây là những thước phim thời sự nóng hổi bằng ngôn ngữ thơ. Những khổ thơ sau không tả mà nhằm bộc lộ cảm hứng lớn về lịch sử “Hà Nội đứng lên/ Ngời rạng sáng Sao Vàng/ Rầm rập bước người đêm trẩy hội (…)/ Súng bỏng trong tay, bỏng chiến hào/ Vọng tiếng cười ran bên ụ thép/ Trên tầng mây sáng, giữa trời cao”.
 
“Hẹn trở về trong gió tự do” - câu thơ của Trần Huyền Trân như là gợi ý cho tứ thơ “Ngày về” (1947) của Chính Hữu. Sau này có nhiều người nhận xét bài thơ mang khẩu khí hiệp sĩ, hào hoa lãng mạn một thời. Nhưng nếu không có cái khí chất lãng mạn thì làm sao chúng ta vượt qua được bao thử thách khắc nghiệt của cuộc kháng chiến mười nghìn ngày (1945 - 1975) kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về! Trở về! Chiếm lại quê hương!/ Nguy nga sao cái buổi lên đường/ Súng chuốt gươm lau mắt ngời sáng quắc”. Những ai đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ. Những ai còn sống thì ghi tạc lời thề “Trở về! Trở về! Chiếm lại quê hương!”. Đó vừa là tráng ca, vừa là tình ca. Bài thơ “Ngày về” của Chính Hữu đã được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ nhạc thành bài hát cùng tên (1947), trở thành một trong những ca khúc truyền thống cách mạng đặc sắc.
 
Trong số những thi phẩm viết về mùa đông năm 1946 đáng nhớ, có thể nói, “Ngoại ô mùa đông 46” (1948) của nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao là một bài thơ hoành tráng, vừa mang âm hưởng sử thi, vừa có cảm hứng thế sự. Ngoại ô Hà Nội hiện lên trong thơ Văn Cao có đường nét, mùi vị, âm thanh đặc trưng: “Xưa đây lối xóm cầm ca/ Biêng biếc đèn xanh ngõ khói/ Vạn cổ thôn hào hoa/ Thương nữ kinh kỳ tụ hội/ Đàn đáy lạc âm ba/ Bốn mùa nghiêng mặt hát/ Tang trống kêu tan tác/ Đời vật vã chưa xa (…)/ Những ngã tư đời đau khổ bê tha/ Nơi lầy lụa rác kinh kỳ chất đống/ Nơi sa dục hôi tanh vùi cửa cống/ Chảy lớp người nghèo khổ lẫn lưu manh/ Gái đĩ bồi tiệm cặn bã đô thành/ Nơi xưa tối đèn, trăng tre lấp rãnh”. Nhưng lịch sử đã làm thay đổi tất cả khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ “Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/ Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành/ Cửa ô/ Cửa ô/ Cửa ô/ Sôi nổi/ Oai hùng/ Dữ dội/ A, cửa ô… nhà đổ thép quằn rung/ Xóm âm u/ Dăm đốm lửa chập chùng/ Xóm âm u/ Thành khối đen đặc quánh/ Ơi ai ngâm mình hố lạnh/ Gió mùa rú ghê người/ Trăng đông dầm khe rãnh/ Lưỡi lê đậu sương rơi/ Cửa ô xa… Cửa ô xa/ Xưa đây lối xóm cầm ca/ Bốn mùa ngả nghiêng sa đọa/ Phường cũ tan tành vùi xóm lá/ Mùa xuân về giữa chiến hào xa”. Đọc bài thơ “Ngoại ô mùa đông 46” của Văn Cao độc giả lại liên tưởng đến âm hưởng hào hùng của nhạc phẩm “Người Hà Nội” của thi sĩ - nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi (sáng tác đầu năm 1947 khi dư âm tiếng súng toàn quốc kháng chiến còn như vang dội đâu đây).
 
Nhà thơ Tố Hữu trong tác phẩm thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” ghi lại lịch sử Việt Nam thời hiện đại bằng ngôn ngữ thơ ca, đã hào sảng viết về thời khắc lịch sử này: “Hỡi quốc dân! Hỡi đồng bào!/ Có gươm, có súng, có dao hãy dùng/ Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước/ Toàn dân trông phía trước, tiến lên!/ Nửa đêm vang tiếng lệnh truyền/ Phố giăng chiến lũy, đường xuyên chiến hào/ Hồn nước dựng thành cao muôn trượng/ Tay Đảng rèn lực lượng muôn dân/ Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn!/ Một dân tộc hai bàn tay trắng/ Đồng tâm là kháng chiến thành công/ Dân ta gan dạ anh hùng/ Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn/ Chân toạc máu, chân dồn đuổi giặc/ Tay chém thù, tay sắc như gươm!/ Củ khoai, củ sắn thay cơm/ Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng/ Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát/ Trông trời cao mà mát tâm can (…). Đất nước Việt Nam (từ sau 30/4/1975) đã thu về một mối. Thống nhất toàn vẹn non sông. Tự do đã nở hoa hồng, nhưng không phải trải dài trên con đường bằng phẳng, nhung lụa, dễ dàng. Đó là một “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày” (Tố Hữu - “Việt Nam máu và hoa”).
 
Ánh hào quang của ngày 19/12/1946 lịch sử còn sáng chói trong những bài thơ hay khác như “Nhớ về Hà Nội vàng son” của Vũ Hoàng Chương, “Hà Nội đêm nay” của Nguyễn Đình Thi, “Từ đêm mười chín” của Khương Hữu Dụng,… Mỗi bài thơ hay là một đường nét đẹp trong bức tranh tổng thể, toàn bích về Hà Nội ngày toàn quốc kháng chiến. 
 
Như một quy luật phát triển, trong bất kỳ nền văn học nào cũng phải có tiểu thuyết, một thể loại nòng cốt để ghi lại bức tranh đời sống xã hội rộng lớn, sâu sắc đặc biệt ở những khúc ngoặt lịch sử. Tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” (1961) của Nguyễn Huy Tưởng được coi là một tượng đài bất tử bằng ngôn ngữ văn học. Một cuốn tiểu thuyết đồ sộ (680 trang) chỉ tập trung tái hiện duy nhất sự kiện lịch sử trọng đại và ứng xử của mỗi người Hà Nội trước và sau ngày nổ ra tiếng súng toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Những ai đã từng xem bộ phim tài liệu “Hà Nội mùa đông 1946” của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh tất sẽ có những liên tưởng thú vị về cuộc giao duyên giữa văn chương/ nghệ thuật ngôn từ và điện ảnh/ nghệ thuật thứ bảy. Một chân dung tập thể nhân dân được nhà văn tái hiện sinh động, từ những cán bộ hoạt động cách mạng có bản lĩnh như Quốc Vinh, Oanh, Nhân… đến những dân nghèo thành thị như Tu, Sinh, Sờn, và cả những nghệ sĩ như Mộng Xuân, Thu Phong,… tất cả đều hăm hở nhập cuộc. Tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” dừng lại ở tập một với những tiếng súng không dứt ở đêm chiến đấu thứ hai của quân dân Hà Nội. Nhà văn có dự định dựng lại toàn cảnh cuộc chiến đấu anh dũng 60 ngày đêm của quân dân Hà Nội trong bộ tiểu thuyết hai tập gần 1500 trang, nhưng ông đã không kịp thực hiện ý định của mình (ông mất năm 1960). Tuy mới chỉ là tập một, nhưng tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” vẫn thể hiện sự hoàn chỉnh của một bức tranh toàn bích về cách mạng và kháng chiến (xét từ cảm hứng chủ đạo, chủ đề, hệ thống nhân vật, ngôn từ tiểu thuyết…). “Sống mãi với Thủ đô” đã đưa Nguyễn Huy Tưởng lên địa vị nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử hàng đầu của nền văn học mới từ sau năm 1945.
 
Cổ nhân vẫn để lại cho chúng ta bài học “ôn cố tri tân”, cật vấn quá khứ là vì tương lai. Cảm hứng tương lai là cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc hôm nay. Con người chân chính có gốc rễ lương tri. Sẽ là không quá khi nói văn chương là lương tri của thời đại, văn chương là loại ký ức lương thiện nhất trên thế gian.
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/dau-an-lich-su-trong-ky-dai-van-chuong_263715.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)