1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Xanh mãi trang văn Tô Hoài

02/11/2020
Những tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Xóm giếng”, “Núi cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”… đều được nhà văn Tô Hoài viết từ những thập kỷ 30, 40, 50 của thế kỷ trước. Thế nhưng, thật diệu kỳ khi trong lòng độc giả hôm nay những trang văn ấy của ông vẫn mãi tươi xanh!


Nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Hấp dẫn bao thế hệ

 

Sinh thời, trong dịp mừng truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” 70 tuổi, nhà văn Tô Hoài thủ thỉ, ông viết truyện này thuở 17 (năm 1937) nên đúng ra anh chàng đã sang tuổi 75. Nếu tính theo đúng ngày sinh ấy thì đến năm nay “Dế Mèn” phải được xếp vào hàng thượng thọ U90. 

 

Đúng là đã lên tuổi “cụ”, đúng là đã xưa lắm rồi và đúng là cha đẻ đã bay về trời, vậy nhưng 83 năm qua chưa khi nào “Dế Mèn” ngừng bước phiêu lưu. Chàng ta chu du khắp thiên hạ, quyến rũ biết bao thế hệ độc giả trong và ngoài nước si mê từng câu văn sinh động, dí dỏm; từng câu chuyện hấp dẫn, kịch tính mà đong đầy những nhân ái, yêu thương, nghĩa hiệp cùng khát vọng về một thế giới đại đồng. Luôn sung sức trong lòng độc giả như thế nên không có gì ngạc nhiên khi “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã được tái bản hơn 100 lần, đã từng được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành kịch rối. Nhất là truyện còn được hơn 40 nước mua bản quyền dịch sang các thứ tiếng khác nhau như Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản... Và, theo ông Phương Vũ - con trai nhà văn Tô Hoài, lúc cha đẻ “Dế Mèn” còn sống, ông vẫn đều đều nhận thư của thiếu nhi các nước trên thế giới gửi đến. Điều thú vị là các em thiếu nhi không chỉ bày tỏ cảm xúc, cảm ơn nhà văn mà còn gửi cả những thắc mắc về răng Dế Mèn rằng các em đọc trong sách khoa học là màu đen sao nhà văn lại viết thành màu trắng? “Vừa cười tủm tỉm, cụ (nhà văn Tô Hoài - PV) vừa viết lá thư trả lời, trong đó có câu: “Cảm ơn cháu, có thể là nhà văn nhầm!”. Sau đó, khi truyện được tái bản, cụ đã sửa lại răng Dế Mèn thành màu xám” - nhà báo Phương Vũ kể.

 

Và, cũng chính từ anh Dế Mèn - tác phẩm đầu tay độc đáo ấy, Tô Hoài đến với nghề văn và trở thành một tác gia nổi tiếng có gia tài văn học đáng nể với gần 200 tác phẩm. Trong đó, ông đã được Đảng, Nhà nước vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho những tác phẩm “Xóm giếng”, “Nhà nghèo”, “O chuột”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Núi Cứu quốc”, “Truyện Tây Bắc”, “Mười năm”, “Xuống làng”, “Vỡ tỉnh”, “Tào lường”, “Họ Giàng ở Phìn Sa”, “Miền Tây”, “Vợ chồng A Phủ”, “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”... Những tác phẩm này cũng đã đi sâu vào đời sống, được bao thế hệ độc giả yêu mến không kém gì “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Đấy là tập truyện “Truyện Tây Bắc”, gồm “Mường Giơn”, “Cứu đất cứu mường”, “Vợ chồng A Phủ”, đặc sắc với từng câu chuyện, phong tục, tập quán văn hóa đặc sắc của con người và vùng đất Tây Bắc, với nỗi đau đáu trước những thân phận đau thương chịu áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, đặc biệt là thân phận người  phụ nữ như Mỵ (Vợ chồng A Phủ), Mát (Mường Giơn), bà Ảng (Cứu đất cứu mường). Hay như, vẫn câu chuyện về vùng đất Tây Bắc, ở tiểu thuyết "Miền Tây" Tô Hoài đem đến cho độc giả những câu chuyện thú vị về của cuộc sống, số phận con người Phiếng Sa một cách gần gũi, chân thực có cả mặt tốt và mặt xấu. Không chỉ thế, “Miền Tây” còn giống như một cuốn sử cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự qua giọng văn nhẹ nhàng, ân cần mà không kém phần lôi cuốn. Đặc biệt, những tác phẩm này luôn được giới trẻ ngày nay đặc biệt quan tâm khai thác. Chẳng hạn như ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” được các bạn trẻ Thịnh Kainz, Kata Trần, T-Bassca sáng tác và ca sĩ Hoàng Thùy Linh biểu diễn đã làm mưa làm gió âm nhạc Việt suốt hai năm qua được lấy cảm hứng từ truyện “Vợ chồng A Phủ”. Và nhóm 1977 Vlog cũng lấy những hình mẫu nhân vật của tác phẩm này để sáng tạo cho những clip của mình và được khán giả yêu thích. Cứ thế, những đứa con tinh thần được nhà văn Tô Hoài viết từ cách đây hơn nửa thế kỷ, thậm chí có những tác phẩm đã ngoài “tuổi” 70, 80 mà vẫn luôn có sức sống bền lâu như thế. 


 

Không ngừng lan tỏa 

 

Khi nhà văn Tô Hoài khuất núi (năm 2014), những tưởng dần dà những trang văn của ông cũng theo đó mà mờ xa. Nhưng không, bằng sự nối tiếp của những người con, người cháu và cả các độc giả, đơn vị nghệ thuật, xuất bản, những trang văn ấy được tỏa sáng ở nhiều loại hình nghệ thuật: kịch, phim, ca múa nhạc và trở thành “sứ giả” hăng hái lên đường lan tỏa, vun đắp những ước mơ tuổi thơ. 


Học sinh trường Tiểu học Thạch Yên, Thạch Thành, Thanh Hóa đọc sách từ Tủ sách “Dế Mèn” của Quỹ nhà văn Tô Hoài. Ảnh: PV.

 

Trong suốt bao năm qua, NXB Kim Đồng vẫn đều đặn tái bản những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, nhất là truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, từ khổ lớn đến sách bỏ túi cùng các bản minh họa của nhiều thế hệ họa sĩ, trong đó có Tạ Huy Long, Kim Duẩn… Dịp này kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, cùng với việc tổ chức tuần đọc Tô Hoài, NXB Kim Đồng cho ra mắt phiên bản mới nhất của truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” do họa sĩ trẻ Đậu Đũa thực hiện trong suốt 7 năm qua. Ngoài ra, năm 2014, NXB Phương Nam cũng tái bản một loạt tác phẩm như: “Bố mìn, mẹ mìn”, “Giấc mơ ông thợ dìu”, “Chuyện cũ Hà Nội”, “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai”, “Những ngõ phố”…

 

Còn NSND Hà Bắc, ông đã dành 10 năm ấp ủ và hoàn thành kịch bản bộ phim 3D được chuyển thể từ truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài để làm quà kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn. Kịch bản gồm 10 chương, tương đương là 10 tập phim, có thể chiếu rạp và cũng có thể chiếu truyền hình. “Bộ phim này sẽ là một bản trường ca mang tính cách anh hùng của một thanh niên, một tráng sĩ chiến đấu vì nghĩa khí cao thượng. Tôi hy vọng kịch bản của bộ phim sẽ sớm nhận được đầu tư một cách đầy đủ, trọn vẹn của các tổ chức xã hội và của những tấm lòng yêu thích nhà văn Tô Hoài yêu thích phim hoạt hình xúc tác, nối nhịp cầu…” - NSND Hà Bắc chia sẻ.

 

Riêng với gia đình nhà văn Tô Hoài, từ năm 2014, thực hiện di nguyện của cha: hãy thay nhà văn trở lại những nơi ông đã từng sống và làm việc để thăm hỏi, tri ân, chia sẻ với bà con dân tộc vùng cao - nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình, người con trưởng -  Nguyễn Phương Vũ đã gây dựng, thành lập Quỹ nhà văn Tô Hoài và tổ chức đoàn thiện nguyện chẳng quản khó khăn, vất vả, tận tụy mang những món quà ý nghĩa như sách vở, quần áo, bàn ghế… đến với trẻ thơ nơi đây. Tại mỗi điểm dừng chân ở Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn hay Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa… ngoài những đêm tiệc phá cỗ trông trăng (dịp Tết Trung thu), những buổi liên hoan văn nghệ (dịp tựu trường, Tết Nguyên đán) rộn rã tiếng cười, đoàn thiện nguyện còn hỗ trợ kinh phí tu bổ, cải tạo, mua sắm giá sách, bổ sung thêm nhiều đầu sách hay… cho thư viện các điểm trường. Cũng từ đây những tủ sách “Dế Mèn” ra đời gieo biết bao ước mơ, niềm tin cho em thơ vùng sâu vùng xa. 

 

“Ước mơ “Dế Mèn” đã và đang được lan tỏa! Tủ sách ''Dế Mèn" đã xuất hiện tại xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa - nơi văn hóa đọc trở thành thứ xa xỉ. Thương và day dứt khi chợt nghĩ so sánh về trẻ em thành phố...”, sau mỗi chuyến đi, ông Phương Vũ thường ghi lại những xúc cảm của riêng mình như thế. Anh bảo, nhờ những chuyến đi này suy nghĩ về sống có trách nhiệm thay đổi rất nhiều trong anh. Và, dấu chân cha anh đã in dấu suốt 63 tỉnh thành trong cả nước. Những năm qua anh đã đi hết các tỉnh thành phía Bắc để những năm tiếp theo sẽ vào miền Trung, miền Nam. Riêng vào đúng 100 năm ngày sinh của cha - 25/9/2020 - anh và đoàn thiện nguyện của Quỹ nhà văn Tô Hoài sẽ có chuyến đi thiện nguyện về Nậm Ban, Nậm Nhùn, Lai Châu. “Những chuyến đi thiện nguyện của chúng tôi - thường một năm tổ chức 2 - 3 lần. Gia đình chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có giải thưởng văn học mang tên nhà văn Tô Hoài để tôn vinh những tác giả, tác phẩm có giá trị văn hóa và thực hiện theo ước nguyện của nhà văn” - ông Phương Vũ cho biết.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/xanh-mai-trang-van-to-hoai_262721.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)