1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Thiết yếu
  4.  › 
  5. Làm ăn

Bạc Liêu: Nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm kết hợp

31/05/2020
Theo kế hoạch sản xuất năm 2020, nếu thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 12% thì sản lượng tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu phải đạt hơn 200.000 tấn (tăng 48.000 tấn so với năm 2019); còn thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 12,5% thì sản lượng tôm nuôi phải đạt 390.400 tấn.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú, một trong những tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam nhận định: “Con tôm tại ĐBSCL chắc chắn sẽ phát triển mạnh bởi các điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Đó là hàng chục ngàn hecta tôm rừng, hàng trăm ngàn hecta tôm sinh thái nếu quy trình nuôi chặt chẽ sẽ nâng năng suất lên cao hơn 20% so với hiện nay”.

Đối với thị trường xuất khẩu, ông Quang cho rằng, Việt Nam đã là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhiều năm nay. Vấn đề là tuân thủ những quy định của thị trường các nước. Nghĩa là nuôi đúng quy trình, chọn thức ăn đúng quy trình, thu hoạch đúng quy trình và đóng gói mẫu mã và chào bán đúng quy trình… thì giá trị mang lại của con tôm sẽ tăng cao.

ĐBSCL đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng đây là cơ hội để con tôm phát triển. Con tôm như được tiếp sức khi Chính phủ quy hoạch lại vùng ĐBSCL theo hướng giảm dần đất lúa, chuyển đổi sang các cây trồng khác trước điều kiện BĐKH. Đối với vùng thường xuyên ngập mặn và có nguy cơ ngập mặn, sẽ chuyển sang mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa như mô hình lúa - tôm tại Bạc Liêu, Cà Mau.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Bạc Liêu ưu tiên phát triển mô hình lúa - tôm tại vùng chuyển đổi sản xuất thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần của thị xã Giá Rai. Đây là mô hình đã được đúc kết kinh nghiệm nhiều năm. Chúng tôi xác định chọn lúa chất lượng, tôm cũng chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả trong cùng đơn vị sản xuất”.

Thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình nuôi ghép với lúa.

So với các địa phương khác, TP. Bạc Liêu là nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh và siêu thâm canh lớn. Vì vậy, trong thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay, TP. Bạc Liêu được giao nhiệm vụ phải tập trung mở rộng diện tích và tăng sản lượng tôm nuôi.

Theo kế hoạch sản xuất năm 2020, nếu thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 12% thì sản lượng tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu phải đạt hơn 200.000 tấn (tăng 48.000 tấn so với năm 2019); còn thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 12,5% thì sản lượng tôm nuôi phải đạt 390.400 tấn. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng trong điều kiện sản xuất nuôi trồng gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến cho sức tiêu thụ chậm, doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế thu mua tôm nguyên liệu và tạo nên sức ép về giá làm cho nông dân không dám mở rộng diện tích.

Là một trong những vùng chuyển đổi sản xuất, thời gian qua, huyện Phước Long (Bạc Liêu) hình thành nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình nuôi tôm sú - cua - cá; tôm sú - lúa - tôm càng xanh...

Nuôi kết hợp tôm - cua - cá

Năm 2019, diện tích thả cua kết hợp với tôm sú tại huyện Phước Long là 13.300ha. Theo đó, mùa vụ sản xuất và mật độ thả như sau: Tôm sú thả 03 vụ/năm, mật độ 2-3 con/m2; Cua thả 01 vụ/năm từ tháng 1-6, mật độ thả 1-2 con/20m2; Cá thả 01 vụ/năm từ tháng 6 đến tháng 12, mật độ thả 0,5-1 con/20m2.

Mô hình cho năng suất như sau:

Tôm đạt năng suất 140-150 kg/ha/vụ, lãi 10-30 triệu đồng/ha/vụ.

Cua đạt năng suất 100-120 kg/ha/năm, lãi 10-20 triệu đồng/ha/năm.

Cá đạt năng suất 800-1.000 kg/ha/năm, lãi 7-10 triệu đồng/ha/năm.

Thực tế thấy, nuôi kết hợp tôm - cua - cá, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của đa số nông dân có ít vốn sản xuất. Các đối tượng nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thu được nhiều sản phẩm trên cùng diện tích, dễ tiêu thụ sản phẩm và hạn chế rủi ro.

Điển hình thành công với mô hình này là ông Ngô Minh Kỷ ở ấp 1 B, xã Phong Thạnh Tây A. Gia đình ông Kỷ là một trong những hộ đầu tiên nuôi cua kết hợp với tôm sú ở huyện Phước Long. Với diện tích 02ha, mỗi năm ông thu trên 130 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, muốn cho mô hình tôm - cua - cá phát triển và đạt hiệu quả cao thì bà con phải chú ý một số điểm sau: Ao nuôi phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; mật độ thả ghép thích hợp (ví dụ: tôm 20.000 con, cua 1.000 con, cá 10.000 con, tính cho 1ha/vụ), đối với tôm thì thả định kỳ 30-60 ngày/lần, cua và cá rô phi thả 1 lần/năm.

Ngoài ra, để góp phần tăng hiệu quả và hướng đến sự bền vững của mô hình, bà con nên trồng cỏ lông tượng (năng tượng) hoặc các loài cây có giá trị kinh tế sống được trên đất tôm, chiếm khoảng 30% diện tích nuôi vừa làm nơi cho cua trú ẩn, vừa giúp cải thiện được đáy ao. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cấm trong nuôi trồng thuỷ sản.

Theo kế hoạch sản xuất năm 2020, nếu thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 12% thì sản lượng tôm nuôi trên địa bàn TP. Bạc Liêu phải đạt hơn 200.000 tấn (tăng 48.000 tấn so với năm 2019).

Nuôi kết hợp tôm - lúa - tôm càng xanh, trồng màu trên liếp vuông tôm

Năm 2019, diện tích sạ lúa trên đất tôm của huyện Phước Long là 12.500ha, thả tôm càng xanh xen với lúa 7.100ha. Mô hình này được thực hiện nhiều ở các xã: Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long và một phần xã Phong Thạnh Tây A.

Ưu điểm của mô hình là sản xuất ngắt vụ nên hạn chế được mầm bệnh phát sinh trong ao. Khi sạ lại lúa, lúa sẽ hấp thụ các mùn bã hữu cơ trong ao nuôi, các sản phẩm thải của tôm, cá giúp cải tạo lại ao nuôi. Thu hoạch được nhiều loại sản phẩm trên cùng diện tích sản xuất.

Mùa vụ sản xuất của mô hình: từ tháng 1 đến tháng 8 thả 2 vụ tôm sú; tháng 8 chuẩn bị sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh, trồng màu trên bờ liếp vuông tôm.

Mật độ thả nuôi: Tôm sú (2-3 con/m2), tôm càng xanh từ 1-2 con/20m2, lúa sạ 7 kg/1.000m2.

Năng suất và lợi nhuận: Tôm sú thu 210-280 kg/ha (02 vụ), lãi  15 - 30 triệu đồng/ha/năm; Lúa bình quân 4 - 4,5 tấn/ha, lãi 12-16 triệu đồng/ha/vụ; Tôm càng xanh 100-150 kg/ha/vụ, lãi 8-15 triệu đồng/ha/vụ.

Qua số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 20ha trồng màu trên bờ tập trung. Các đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: khổ qua (mướp đắng), bắp, bí đỏ, dưa hấu, đu đủ,… Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi gần 15 triệu đồng/1.000m2 từ trồng rau trên bờ trong thời gian 3 tháng.

Để mô hình phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, bà con phải chú ý một số yêu cầu sau: Khi bước vào thời vụ thả giống, phải tuân theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tiến hành cải tạo, thả giống, thu hoạch đồng loạt nhằm đảm bảo thời vụ sản xuất luân canh với lúa; Nên chọn những giống lúa chịu mặn, kháng bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao; Đối với tôm càng xanh, nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 7 dương lịch, nếu thả tôm càng xanh trễ (khoảng tháng 8-9), thời gian nuôi ngắn, khi thu hoạch kích cỡ tôm càng xanh không được lớn, bán giá không được cao; Đối với cây màu phải biết nắm bắt thị trường, chọn loại rau màu phù hợp và hiểu biết kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây trồng.

Hai mô hình trên đang phát triển khá mạnh và có sự thành công nhất định tại Phước Long. Bà con đã tận dụng tối đa diện tích canh tác kết hợp các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế làm tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời làm giảm thiểu sự rủi ro do độc canh tôm sú.

TP. Bạc Liêu sẽ thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thời gian tới TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất và khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi tôm.

Theo đó, TP. Bạc Liêu sẽ thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm; tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, lưới điện), nhất là các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Cụ thể năm 2020 này, TP. Bạc Liêu đã đầu tư gần 25,5 tỷ đồng để thi công khoảng 28 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng.

Bên cạnh đó, thành phố vận động, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các hỗ trợ khác để tăng năng suất tôm nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp đồng thu mua nguyên liệu giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Song song đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Phân công cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh và khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh; hướng dẫn biện pháp cải tạo ao đầm, nhất là củng cố bờ bao chắc chắn, khuyến khích xây dựng ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc; tăng cường xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục dịch hại, ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, để tạo nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung vốn tín dụng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các hình thức liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học. Xem xét tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để các hộ dân (đặc biệt là hộ nuôi tôm) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn trong dân…

Với việc tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hy vọng sản xuất nuôi trồng thủy sản của TP. Bạc Liêu năm nay sẽ vượt qua khó khăn, góp phần hoàn thành kế hoạch và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/bac-lieu-nhan-rong-va-phat-trien-mo-hinh-nuoi-tom-ket-hop.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)