1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Ảnh
  4.  › 
  5. Khám phá

Thép Việt Ý với những bước đi thăng trầm: Bài 2: Công nghệ mới và ''hoàng hôn'' của thương hiệu

01/03/2021
Công nghệ giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển trong sản xuất của cải vật chất, cũng như quá trình xây dựng thương hiệu. Mỗi khi công nghệ mới được đầu tư vào sản xuất sẽ tạo ra lợi thế riêng cho doanh nghiệp, đặc biệt về mặt lợi nhuận so với công nghệ cũ. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguồn vốn kinh doanh của nhiều thương hiệu Thép bị “ăn mòn”, khi thị phần được phân chia lại.

Thương hiệu, mang dấu ấn và bản sắc riêng mà con người đó, công ty đó hay quốc gia đó, phải dày công xây dựng, vun đắp và bảo vệ. Bản chất của thương hiệu không phải là vật chất, nhưng nó luôn mang trong mình một hình thái tồn tại của giá trị. Giá trị đó được tích lũy bằng công sức, thời gian và quyết tâm của người chủ sở hữu, đã xây dựng nên thương hiệu đó. Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, mỗi thương hiệu lớn khi mất đi, đều để lại sự tiếc nuối không nhỏ cho các chủ doanh nghiệp và lòng tự tôn dân tộc, trong mỗi người dân Việt Nam.

Còn đó rất nhiều dẫn chứng cho câu chuyện mất thương hiệu như Kem đánh răng Dạ Lan biến mất khỏi thị trường sau khi sáp nhập với Colgate; Xà bông Cô Ba, với hình ảnh người mẫu Cô Ba Thiệu trên tem của sản phẩm. Thương hiệu đó cũng mất dần trên thị trường, khi có sự cạnh tranh khốc liệt giữa Unilever và Tập đoàn P&G; Chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim, là thương hiệu đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, chuyên bán hàng chính hãng, đã về tay Tập đoàn Central Group của Thái Lan và hàng loạt các thương hiệu đã biến mất khỏi thị trường như Primer, Tribeco… Trước ngưỡng của hội nhập, để giữ được sự ổn định của nền kinh tế, ngày 30/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “phải ngăn chặn cho được một số việc, như doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài thôn tính, thông qua hình thức mua bán”.

Đôi điều về sản xuất thép xây dựng ở thị trường Việt Nam

Trong nền kinh tế, việc các đơn vị sản xuất cùng một loại sản phẩm, mạnh lên và chiếm “ngôi vương” của thị trường trong lĩnh vực đó, là điều dễ hiểu. Song song với “ngôi vương” đó, sẽ là một thương hiệu khác bị giảm sức cạnh tranh và ”phai mờ” uy tín trên thị trường. Bởi ở đó, cuộc cạnh tranh về kỹ thuật và công nghệ trong tiến trình phát triển chung, đều theo một xu thế “cái sau kế thừa và tiến bộ hơn cái trước”. Vì vậy mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị và công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội lớn, để doanh nghiệp đó giành được ưu thế trên thị trường.

Đối với sản xuất thép xây dựng, chất lượng thép thành phẩm phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu đầu vào như phôi thép hoặc quặng sắt. Ở đó, công nghệ sản xuất từ quặng sắt giúp sản phẩm sạch tạp chất và ít nguyên tố có hại. Quá trình nấu luyện thép từ quặng theo công nghệ mới, sẽ khử được triệt để các tạp chất (S, P), hàm lượng tạp chất (Cu, Cr, Ni) thấp, giúp sản phẩm sạch, tinh khiết và có chất lượng cao. Thép xây dựng sản xuất từ thép phế liệu, là quá trình nấu chảy phế liệu để cho ra phôi thép, từ phôi thép sẽ cán ra thép xây dựng. Quá trình sản xuất đó chỉ khử được (S, P), các tạp chất như (Cu, Ni, Cr) vẫn còn tồn tại trong thân thép, làm cho thép thành phẩm cứng, độ giãn dài kém hơn so với thép sản xuất từ công nghệ quặng sắt.

Thị trường thép xây dựng hiện nay khá phức tạp về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đa phần các thương hiệu đã kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, tuy nhiên trong đó có một số nhà máy cán thép xây dựng, sử dụng phôi thép gia công từ làng thép Đa Hội – Bắc Ninh, trà trộn làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất, dẫn đến chất lượng thép đưa ra thị trường không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ tới kết cấu công trình. Nhất là các công trình kiên cố, đòi hỏi chất lượng vật liệu xây dựng cao, cũng như những công trình trọng điểm của quốc gia.

Hiện tại ở thị trường Việt Nam, công nghệ cán thép mới đang được một số nhà máy sản xuất thép xây dựng đầu tư những năm gần đây, đơn cử như Thép Hòa Phát, Thép Formosa Hà Tĩnh. Đó là công nghệ lò cao liên động khép kín, lấy nguyên liệu đầu vào từ quặng sắt, phối hợp với phụ gia và các thành phần khác để nung chảy, cho ra phôi rồi chuyển sang khu vực cán thép xây dựng. Quy trình khu liên hợp khép kín, giúp tiết kiệm từ 10 đến 15% chi phí sản xuất. Thêm vào đó, công nghệ lò cao liên động khép kín loại bỏ tạp chất tốt hơn các công nghệ cũ, giúp chất lượng thép thành phẩm ổn định hơn sản phẩm sản xuất từ thép phế liệu.

Thép Việt Ý và câu chuyện về công nghệ

Như bài viết kỳ 1, chúng tôi đã cung cấp thông tin về Thực trạng tài chính, giúp độc giả nhìn ra bức tranh toàn cảnh về hoạt động sản xuất kinh của của Thép Việt Ý những năm gần đây, khi nguồn vốn kinh doanh bị “ăn mòn” 586,7 tỷ đồng, tương đương với gần 80% tổng giá trị nguồn vốn hiện có, trong 2 năm 2018 và 2019. Tính đến hết ngày 30/06/2020, số lỗ lũy kế của Thép Việt Ý đã là 604,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 82% nguồn vốn kinh doanh.

Thép Việt Ý đã từng là thương hiệu Việt đứng trong tốp đầu của ngành sản xuất thép xây dựng, khi tham gia vào nhiều công trình lớn của đất nước, vào thời điểm trước năm 2010. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, thông qua số liệu trên Báo cáo tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường ngày một gay gắt, cho thấy Thép Việt Ý khó “trụ hạng” và lội ngược dòng để lấy lại vị thế như cũ, trong thời gian tới. Bởi hiện tại, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế đã đặt chân vào thị trường thép, công nghệ tiến bộ được đầu tư vào sản xuất, miếng bánh thị phần đã phân chia lại. Vì vậy để ổn định sản xuất, tạo được bứt phá so với những thương hiệu cùng ngành, định hướng phát triển cũng vì thế mà cần có những thay đổi phù hợp với xu thế hiện nay.

Ngày 14/6/2003, Nhà máy sản xuất thép mang thương hiệu Việt Ý, chính thức đi vào hoạt động với công suất 300.000 tấn/năm. Thiết bị của nhà máy được nhập khẩu đồng bộ, theo công nghệ Daniely Morgardshammar, do tập đoàn thép hàng đầu thế giới Daniel - Italy cung cấp. Đây là công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, nạp liệu liên tục ngang thân lò, hiện đại nhất thế giới tại thời điểm đó. Song song với đầu tư nhà máy cán thép, Việt Ý cũng đầu tư nhà máy luyện phôi thép có công suất 500.000 tấn/năm, theo công nghệ Consteel, sử dụng nguyên liệu tái chế là thép phế liệu, thay vì sử dụng quạng sắt khai thác từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Đi tìm câu hỏi vì sao Thép Việt Ý có lợi nhuận trước thuế âm, trong 9 quý liên tiếp và chấp nhận “lui lại phía sau”, nhường ngôi vị hàng đầu cho các thương hiệu khác, trong những năm gần đây. Có một yếu tố thực tại, là công nghệ mới được đầu tư vào ngành sản xuất thép xây dựng tại thị trường Việt Nam, rất mạnh mẽ. Điều đó giúp giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động và quan trọng hơn cả, là nâng cao chất lượng thép thành phẩm, đáp ứng nhu cầu cho các công trình kiên cố, các công trình “siêu” kích cỡ, cũng như những thị trường xuất khẩu khó tính, mà Thép Hòa Phát là một ví dụ điển hình. Cũng từ đó, những thương hiệu khác bị lui lại phía sau, trong đó có Thép Việt Ý.

Năm 2016 Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương nâng công suất lên trên 2 triệu tấn thép/1 năm, Thép Hòa Phát đang chiếm thị phần lớn nhất cả nước về thép xây dựng. Hòa Phát cũng là nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam sản xuất thành công thép xây dựng D55 mác cao, phục vụ các công trình cầu lớn và nhà siêu cao tầng. Ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, Hòa Phát đã xuất khẩu thép xây dựng ra nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Malayxia, Campuchia… Sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng với các thị trường khó tính, cho thấy lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ từ thép xây dựng của Hòa Phát.

Công nghệ lạc hậu có thể là một trong các lý do làm cho Thép Việt Ý hoạt động chậm lại. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các thương hiệu khác vẫn sử dụng công nghệ cũ, nhưng không phải thương hiệu nào cũng mất vốn như Thép Việt Ý, mặc dù thị phần có thể bị thu hẹp lại. Ngoại trừ Thép Hòa Phát và Thép Formosa Hà Tĩnh, sử dụng công nghệ lò cao liên động khép kín, các công đoạn sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau, giúp cắt giảm được chi phí sản xuất, chiếm lĩnh thị phần của các thương hiệu khác. Vì vậy, thị phần trên thị trường thép xây dựng đã có những cách biệt nhất định, biên độ lợi nhuận đã nới rộng hơn cho những dây chuyền công nghệ mới và thu hẹp lại đối với công nghệ cũ.

Câu chuyện thương hiệu cũng được phản ánh khá rõ nét, trên thị trường chứng khoán. Hiện tại các giao dịch cổ phiếu của Thép Việt Ý với khối lượng rất ít hoặc không có giao dịch. Theo ghi nhận trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu VIS có giá mở cửa phiên giao dịch ngày 02/01/2019 là 22.600 đồng/cp, giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2019 là 24.800 đồng/cp. Tuy nhiên, phần vì ảnh hưởng dịch Covid-19, phần vì hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút, nên giá cổ phiếu đóng cửa tại phiên giao dịch ngày 10/12/2020 của VIS, chỉ còn 17.900 đồng/cp, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán đã “bốc hơi” khoảng 28%, so với đầu năm 2020.

Tại Mục đ), Khoản 1, Điều 60 của Nghị định 58/2012/NĐ-CP, ban hành ngày 20/07/2012, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, quy định về việc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán khi hoạt động của công ty có “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. Thép Việt Ý từng là thương hiệu mạnh, với giá bán sản phẩm luôn ở tốp đầu so với nhiều thương hiệu thép khác. Tuy nhiên, dấu hiệu rời sàn của mã chứng khoán VIS đã hiển hiện trước mắt và thương hiệu mạnh một thời của ngành thép, có thể sẽ “xuống núi” theo hoàng hôn của năm tài chính 2020.

Theo Vũ Chiến/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/thep-viet-y-voi-nhung-buoc-di-thang-tram-bai-2-cong-nghe-moi-va-hoang-hon-cua-thuong-hieu.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)