1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Ảnh
  4.  › 
  5. Khám phá

Những người “thắp lửa” võ dân tộc ở Chư Prông

05/02/2021
Một chiều cuối đông cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi đã vượt khoảng 30km từ TP.Pleiku để ghé thăm Trung tâm Huấn luyện Võ thuật cổ truyền dân tộc tại thôn 4, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Ghi tên là Trung tâm nhưng tôi gọi nơi đây là võ đường. Võ đường này do một số huấn luyện viên, võ sư tâm huyết với môn võ cổ truyền dân tộc thành lập, tổ chức truyền dạy cho thế hệ con cháu. Thời trai trẻ, họ vốn là những mãnh hổ từng có thời gian tung hoành ngang dọc trên các sàn đài của tỉnh Gia Lai- Kon Tum và khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Ban huấn luyện võ đường cổ truyền dân tộc tại xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Thế rồi, vì cuộc sống mưu sinh vất vả đã đưa đẩy, khiến các HLV, võ sư nơi đây “rửa tay gác kiếm”, sống ẩn mình, rời xa võ cổ truyền dân tộc hàng chục năm trời. Khoảng nửa năm trở lại đây, khi được Võ sư Nguyễn Sơn Đông (còn gọi Hàm Hữu Đông)- Trưởng Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên, khơi gợi, đánh thức niềm đam mê sôi sục trở lại, họ đồng lòng “tái xuất làng võ”.

Võ sư Nguyễn Sơn Đông- Trưởng Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên.

Thầy trò võ đường võ cổ truyền dân tộc tại xã Thăng Hưng.

Người đứng đầu võ đường này là Võ sư Đặng Xuân Trung- Phó Trưởng Văn phòng đại diện Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên, kiêm Trưởng Chi nhánh Viện Võ học Việt Nam tại huyện Chư Prông. “Cánh tay phải” đắc lực của thầy Trung là huấn luyện viên (HLV) Huỳnh Như Phong- Phó Trưởng chi nhánh, Nguyễn Thanh Hải- Ủy viên phụ trách chuyên môn…

Võ sư Đặng Xuân Trung (áo đỏ) cùng các đệ tử.

Võ đường này được thành lập vào tháng 10/2020, ngày đầu khai trương chỉ có khoảng 20 võ sinh, đến nay, sau 4 tháng đã tăng lên 100 võ sinh.

Nghe qua, nếu lấy con số này đem so với nhiều võ đường khác trong cả nước thì hơi có phần khiêm tốn. Nhưng đóng chân ở một xã thuần nông, cách xa thị trấn, có nhiều hộ đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Từ nhiều năm nay các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cao su rớt giá triền miên, bởi vậy để có được con số trên, đó là sự nỗ lực không biết mệt mỏi, rất đáng biểu dương, ghi nhận đối với những võ sư, huấn luyện viên ở đây.

HLV Huỳnh Như Phong (áo đỏ) cùng các đệ tử.

Võ sư Đặng Xuân Trung, cho biết: “Võ cổ truyền dân tộc là di sản vô cùng quý báu mà cha ông, tổ tiên chúng ta từ xưa để lại cho con cháu về sau. Thế nhưng, từ lâu võ ta đã thua ngay trên sân nhà so với nhiều môn võ nhập ngoại. Cụ thể, ở xã Thăng Hưng nói riêng cũng như một số địa phương khác trên địa bàn huyện Chư Prông nói chung, trước nay môn taekwondo của Hàn Quốc, karatedo đến từ Nhật Bản được phổ biến khá rộng rãi”.

Các võ sinh cùng với HLV chụp hình lưu niệm.

“Không muốn nhìn võ ta cứ lép vế mãi trên sân nhà, được sự giúp đỡ của Viện Võ học Việt Nam khu vực Tây Nguyên, chúng tôi đã đứng ra mở võ đường võ cổ truyền dân tộc. Lúc đầu mới thành lập, số lượng không nhiều, sau một thời gian kiên trì tập luyện kết hợp với quảng bá những tinh túy của môn võ này, đến nay số lượng tăng lên khoảng 100 võ sinh, có thể coi là tạm thành công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mua sắm trang thiết bị tập luyện hiện đại, lúc đó hi vọng sẽ thu hút thêm nhiều môn đệ tham gia tập luyện hơn nữa”.

Võ sinh Siu Xam biểu diễn võ cổ truyền dân tộc.

Võ sinh Siu Xam người dân tộc Jrai, thổ lộ: “Em đã tham gia tập luyện lớp võ này được 4 tháng nay. So với các môn phái khác, võ cổ truyền dân tộc Việt Nam chúng ta có tính ứng dụng thực tế rất cao. Đòn thế phong phú, quyền thuật tay không, binh khí rất đa dạng. Em rất thích tập luyện môn võ này”.

Võ sinh người dân tộc Jrai  biểu diễn võ cổ truyền dân tộc.

Ở xã Thăng Hưng, khi nhắc đến cái tên Đặng Xuân Trung, từ già tới trẻ hầu như ai ai cũng biết. Vị võ sư này đã từng giữ chức Trưởng Công an xã trong vòng 11 năm (từ 2005- 2016), trước và sau khoảng thời gian đó là công an viên của xã. Vốn được sinh ra và lớn lên ở miền đất Võ- Bình Định, lại có uy tín cao trong quần chúng nhân dân trên địa bàn, bởi vậy vào năm 2004, Võ sư Trung đã cảm hóa thành công một phần tử phản động người dân tộc Jrai đi theo Tin lành Đê- ga chống lại chính quyền…

Ông Đặng Xuân Trung- Trưởng Công an xã Thăng Hưng dự Hội nghị toàn quốc năm 2016 tại tỉnh Ninh Bình.

Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an tặng ông Đặng Xuân Trung.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, năm 2015, Đặng Xuân Trung được mời ra tỉnh Ninh Bình, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh Công an xã (từ năm 2008- 2015).

Các võ sinh biểu diễn võ cổ truyền dân tộc.

Biểu diễn võ gậy võ cổ truyền dân tộc.

Song đấu võ cổ truyền dân tộc.

Kỹ thuật đấm bao bổ trợ thi đấu đối kháng.

Để có được thành công bước đầu như hiện nay, bên cạnh Võ sư Đặng Xuân Trung, không thể không nhắc tới HLV Huỳnh Như Phong, Nguyễn Thanh Hải… Họ là những “cánh tay đắc lực”, đều đặn mỗi tuần 5 buổi đến võ đường để truyền dạy những tinh hoa của võ cổ truyền dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ ở xã Thăng Hưng.

Theo Minh Vỹ/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/nhung-nguoi-thap-lua-vo-dan-toc-o-chu-prong.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)