1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Ảnh
  4.  › 
  5. Khám phá

Bóng hình Geleximco ở SCREC

28/07/2021
Thị trường vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp luôn hấp dẫn bởi những lợi thế vô hình, hữu hình do nguồn gốc sở hữu đem lại. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước thông qua các công cụ của thị trường là điều cần nhanh chóng thực hiện, nhưng kiểm soát chặt chẽ để bảo toàn tài sản nhà nước và tránh cho được sở hữu chéo để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cần phải được thực hiện nghiêm túc.

Kể từ năm 2016, nhiều năm liên tiếp, doanh thu và lợi nhuận của CTCP Đầu tư - Xây dựng và kinh doanh nhà Sài Gòn (SCREC) có chiều hướng suy giảm.

SCREC là thành viên của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, làm chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Tp. HCM như: Chung cư J1 Ung Văn Khiêm (2003), Chung cư Bến Phú Lâm (2004), Cao ốc SCREC (2008).

Trong những năm trở lại đây, các dự án bất động sản của SCREC chưa có nhiều tiến triển do vướng mắc pháp lý. Công ty này phải ‘nhờ cậy’ vào việc nhận thầu xây lắp.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào lĩnh vực này khiến SCREC rơi vào tình trạng hạn hẹp nguồn vốn lưu động, thậm chí có lúc mất cân đối về thu chi do khó tìm được nguồn vốn đối ứng.

Theo tìm hiểu, từ năm 2015, SCREC đã tạm ngừng triển khai dự án số 5 Ung Văn Khiêm (dù thủ tục triển khai cơ bản hoàn tất) để dồn lực cho dự án Khu dân cư Phường Phú Mỹ (Quận 7, Tp. HCM).

Dự án Khu dân cư Phường Phú Mỹ có quy mô dân số dự kiến khoảng 11.000 người, tổng diện tích 35,45ha, được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột phá trong hoạt động kinh doanh cho SCREC. Song, do những khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Dù hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, SCREC vẫn nhận được sự quan tâm lớn.

Theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/12/2017 của SCREC, Nhà nước nắm 51,71% vốn điều lệ; tiếp đến là cổ đông tổ chức với tỉ lệ sở hữu 47,17% vốn điều lệ. Trong khi đó, số ít cổ phần, tương đương 1,12% vốn điều lệ do các cổ đông cá nhân nắm giữ.

Cổ đông tổ chức của SCREC là ai?

Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp & Thương hiệu, trong năm 2017, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Nam Sài Gòn đã lần lượt thế chấp 641.730 cổ phần và 392.350 cổ phần SCREC tại ABBank.

Riêng CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam đã nắm giữ lượng lớn cổ phần SCREC từ năm 2016. Các nhân sự cấp cao của công ty này là ông Cao Trọng Hoan (Chủ tịch HĐQT) và ông Phan Thanh Toàn (Tổng Giám đốc) từng được đề cử tham gia HĐQT của SCREC nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong đó, ông Cao Trọng Hoan đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT của SCREC tới hết nhiệm kỳ.

CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Miền Nam và CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Nam Sài Gòn đều là các pháp nhân có liên quan tới tập đoàn Geleximco của ‘đại gia’ Vũ Văn Tiền. Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền hiện cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của ABBank.

Mặt khác, SCREC cũng có mối quan hệ tín dụng khá mật thiết với ABBank, đặc biệt tại dự án Khu dân cư phường Phú Mỹ nêu trên. Theo báo cáo tài chính tổng hợp năm 2019, SCREC vẫn chưa ghi nhận khoản chi phí lãi vay phải trả cho ABBank với số tiền gần 6,45 tỉ đồng.

Lưu ý rằng, SCREC đã trễ hẹn thoái vốn Nhà nước từ 51% xuống còn 25% từ nhiều năm nay và công ty này cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn UPCOM./.

Theo Nam An/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/bong-hinh-geleximco-o-screc-p32616.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)