1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Giải trí
  4.  › 
  5. Hậu trường

NÓI THẲNG: Hết thời cả họ làm quan?!

20/09/2017
Khi bị nghi ngờ thì người có trách nhiệm lên tiếng cam đoan bổ nhiệm "đúng quy trình", đến lúc cơ quan chức năng vào kiểm tra thì sai bung bét, phải thu hồi quyết định, phải kỷ luật.

(Hình minh họa)

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hôm qua 19-9 kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra toàn quốc về công tác bổ nhiệm cán bộ.

Đây là một cuộc tổng kiểm tra được tất cả những người Việt Nam trong sáng, trung thực và yêu nước mong đợi.

Nếu được triển khai thực hiện thật nghiêm túc và bài bản thì sẽ thêm một lần nữa trở thành minh chứng rõ nét cho quyết tâm xây dựng Chính phủ "kiến tạo, liêm chính và hành động".

Đã có đủ quy trình, quy định về quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển... cán bộ cả rồi, cứ làm đúng theo đó là ổn, vậy mà sao phải kiến nghị tổng kiểm tra và công việc này lại được người dân trông chờ đến vậy?

Rất dễ hiểu, là bởi vài năm gần đây liên tục xảy ra các vụ bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan... gây bất bình trong nhân dân. Khi bị nghi ngờ thì người có trách nhiệm đều lên tiếng cam đoan "đúng quy trình". Đến lúc cơ quan chức năng vào kiểm tra thì sai bung bét, phải thu hồi quyết định, phải kỷ luật.

Nói cho ngay, làm quan thì hưởng lộc, một người làm quan cả họ được nhờ. Cái này không chỉ là quan niệm lý thuyết thuần túy mà nó rất đúng trên thực tế ở nước ta, thế nên mới có nhiều người cứ nhắm mắt ký bổ nhiệm con - cháu - người thân - họ hàng của mình vào các vị trí chủ chốt, béo bở; dù rằng biết tỏng làm như thế là "gây dư luận", là sai, là vi phạm nhiều quy định.

Ai đời ở một huyện như Mỹ Đức (Hà Nội) mà từng có 8-10 người nhà của ông bí thư "rải đều" các vị trí chủ lực ở địa phương!

Ai đời ở một huyện như Kim Thành (Hải Dương), người nhà của ông bí thư và phó bí thư cũng hàng hàng, lớp lớp!

Ai đời một tỉnh như Hà Giang mà vị bí thư tỉnh ủy có khoảng 8 người thân thích đang làm quan chức tại nhiều ban, ngành, địa phương trong tỉnh!

Ai đời một sở tỉnh lẻ như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương mà có đến 44/46 công chức làm cấp trưởng và phó phòng.

Và còn rất nhiều trường hợp như thế, đã và chưa bị lộ. Nó được che chắn kỹ bởi bộ áo giáp "tam quy": quy hoạch, quy định, quy trình.

Những trường hợp kể trên đều gây dư luận rất xấu. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra 11 địa phương và phát hiện không ít sai phạm về bổ nhiệm cán bộ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm.

Việc kiểm tra, xử lý đang được tiếp tục tiến hành. Chúng ta mong Chính phủ làm mạnh tay hơn nữa trong công tác này để công khai, minh bạch với công luận, làm trong sạch bộ máy hành chính ở nhiều cấp. Người tài phải có chỗ đứng xứng đáng để cống hiến chứ không phải là "người nhà". Tất nhiên, "người nhà" vẫn tốt nếu thật sự có đủ tài - đức.

Quyền lực gia đình phải được kiểm soát và ngăn chặn sự lan rộng trong công tác cán bộ để tránh lấn át quyền lực nhà nước, chi phối quyền lực nhà nước.

(Theo Y Qua / Người Lao động)

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)