1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Hà Nội xưa

Tục tắt đèn đêm hội Giã La

30/08/2021
Tục tắt đèn đêm hội Giã La
Rước kiệu trong lễ hội Giã La.
 
Khi xếp hạng lễ hội các vùng quê thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây xưa, trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao: 
 
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy, chẳng tầy 
Giã La
 
Đăm thuộc Tây Tựu huyện Từ Liêm, nay là quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Giá thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Thầy thuộc xã Sài Sơn huyện Quốc Oai. Còn Giã La?
 
Căn cứ vào sự tích Thành hoàng và trò diễn còn lưu lại đến giờ thì Giã La là đêm chót trong lễ hội dài ngày của hai làng Ỷ La và La Nội, xưa là Đại La trang và Kỳ La khu (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội).
 
Dương Nội là một vùng đất cổ có cư dân sinh sống từ lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm lao động cần cù, sáng tạo, nhân dân Dương Nội đã lập nên những xóm làng đông đúc, những cánh đồng phì nhiêu, xây dựng và bảo vệ tốt hàng chục di tích văn hóa - lịch sử - kiến trúc mà tiêu biểu là cụm di tích đình - chùa - miếu làng La Cả.
 
Lễ hội Giã La gắn với sự tích vị Thành hoàng của hai làng Ỷ La và La Nội được tôn thờ tại ngôi đình chung, dựng ở điểm giữa hai làng. Hai làng cũng có chung một ngôi chùa Cả (tên chữ là Hoa Nghiêm tự) và quán La.
 
Theo thần phả hiện còn lưu giữ ở quán La và các bản chép tay của một số dòng họ: vị Thành hoàng có tên húy là Đương Cảnh. Dân vẫn kiêng húy gọi Cảnh là Kiểng.
 
Tương truyền: mẫu thân của ngài là cô thợ nhuộm Trần Thị Châu quê ở làng Sài Trang, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương. Một lần cô thợ nhuộm đến Đại La Trang và Kỳ La Khu gặp dịp mở hội. Cô dừng chân xem hội và nghỉ đêm tại bờ rừng, nay là nền quán. Đêm ấy cô được thần mộng triệu rồi thai nghén mà sinh ra ngài. Lớn lên Đương Cảnh theo học Tản Viên Sơn Thánh rồi kết duyên cùng hai nàng Tuyên Nương và Chính Nương là con gái động chủ Ma Thị (mẹ nuôi của Sơn Tinh, cũng dòng tiên thánh). Nhớ lời mẹ kể về nguồn gốc của mình, ngài đưa hai nàng về Đại La sinh sống.
 
Ít năm sau cả một vùng rộng lớn của đất nước bị thú dữ hoành hành gây thiệt hại cho gia súc và mùa màng. Vua Hùng Duệ Vương cho sứ giả chiêu cầu người tài ra diệt ác thú cứu dân. Đương Cảnh nghe chiếu truyền liền tuyển mộ tráng sĩ lên kinh đô xin vua cho đi diệt trừ thú dữ. Hùng Duệ Vương ban cho Đường Cảnh làm Đô đốc, Tả tướng quân. Nhờ có hai bà vợ tiên Tuyên Nương và Chính Nương thông thạo rừng núi dẫn đường, với tài trí của mình cùng sức mạnh của dân binh, bầy thú dữ lần lượt bị tiêu diệt. Chúa sơn lâm là “hổ lang vàng mép” bị sa lầy tại Đại La. Ngài cho dân giết hổ lột da xả thịt mở tiệc ăn mừng. Xương hổ chất thành đống, đến nay còn dấu tích là Đống Hùm nằm trên đường từ đình lên quán La. Da hổ được giữ làm kỷ niệm chiến tích diệt trừ dã thú. Về sau, trong hội rước tấm da hổ được trải trên kiệu của ngài.
 
Tục tắt đèn đêm hội Giã La
Một góc làng La Cả (nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP. Hà Nội)
 
Một hôm vào ngày mồng 2 tháng Chạp tự nhiên có một dải mây hồng đẹp như tấm lụa buông xuống trước cửa trại của ngài. Ngài chưa kịp định thần thì hai bà vợ tiên đã theo đó mà ngược về trời. Cảm buồn về cảnh cô đơn, ngài lên ngựa đi sâu vào rừng và cũng không bao giờ về nữa.
 
Vua biết chuyện, nhớ công trạng của ngài liền phong cho ngài chức Đô đốc Linh ứng Đại vương và cho dân làng tôn thờ làm Thành hoàng làng. Dân làng nhớ ơn ngài và hai phu nhân đã dựng quán làm đình đời đời đèn nhang thờ phụng. 
 
Từ đấy, hằng năm cứ đến ngày mồng hai tháng Chạp tục gọi là “Ngày chạp vua” bô lão hai làng lại họp mặt, trước là tế thờ, sau là bàn bạc định việc mùa xuân tới có vào đám hay không.
 
Lễ hội Giã La được diễn ra trong một thời gian dài ngày (9 ngày đêm) trên phạm vi không gian rộng lớn gồm khu vực xung quanh đình và trên đường lên quán dài 2 km. Tuy vậy, đình La và quán La là hai địa điểm chính.
 
Hội lệ là hội diễn ra hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Hội chỉ rước oản quả từ chùa Hoa Nghiêm (còn gọi là chùa Cả xây dựng bên phải ngay sát đình La). Hội chính còn gọi là đại đám thường 5 năm mới mở một lần, được tổ chức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 14 tháng Giêng.
 
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ ngày mồng 2 tháng Chạp năm trước (ngày Thánh hóa) bô lão hai làng đã họp mặt tại đình để bàn định việc vào đám. Từ ngày mồng 6 đến 14 tháng Giêng lễ thức được diễn ra. Mồng 6  tiến hành tế dự cáo. Sáng mồng 7 rước kiệu ông và hai kiệu bà từ đình lên quán để đón bài vị của các ngài về đình dự hội. Từ ngày mồng 8 đến ngày 13, buổi sáng diễn ra các tuần tế của quan viên hai làng. Buổi chiều, xung quanh khu vực đình diễn ra các trò chơi: bắt vịt trên hồ, đào hố bịt mắt bắt lợn, bịt mắt đập niêu trên bãi rộng ven hồ. Ở trong đình dân thôn theo nhau đến lễ giải và công đức. Từ chiều ngày 14 đến sáng hôm sau, diễn ra cảnh giã hội, mà cao trào là trò diễn đánh biệt (đánh hổ).
 
Ngoài trò diễn đặc sắc đánh biệt, ngày mồng 10 tháng Giêng, khi dâng cúng Thành hoàng còn có một tục hèm như sau: Khi thịt lợn, lấy lưng bát tiết và cắt một mẩu đuôi còn lông, hai thứ trên đặt vào hai bát úp một rồi chôn xuống sau hậu cung. Không ai còn rõ nguyên cớ của tục yểm mao huyết này.
 
Giai đoạn cao trào, đặc sắc nhất thu hút sự chú ý của mọi người là đêm giã hội vào tối 14 tháng Giêng. Đây là thời gian lễ hội La được diễn ra độc đáo nhất, sôi động nhất tạo cho Giã La thành đêm hội nổi tiếng nhất trong vùng. 
 
Tại quán La còn lưu bản “La Nội, Ỷ La nhị xã lưu truyền khu hổ lang tích” bằng chữ Nôm chép năm Long Đức thứ ba (1754). Văn bản ghi rõ nghi thức của cuộc săn hổ. Theo đó, chiều tối ngày 14, sau cuộc tế giã, một cánh rừng giả được dựng lên ở gian giữa, ngay dưới gầm ban thờ hậu cung để hổ dữ nấp trong đó. Người đóng vai hổ đội lốt “hổ lang vàng mép” thửa công phu như thật. Cùng ở trong rừng còn có 4 người đóng vai chim kêu, vượn hót, nai tác, gà gáy, làm cho khu rừng trở nên thâm u vang vọng như thực. Trước cửa rừng ở gian giữa các quan viên mặc quần áo đen thắt lưng xanh, cầm côn sẵn sàng múa võ. Ở mép tiếp giáp gian giữa với hai gian bên có hai người cầm cờ đuôi nheo chỉ huy đoàn thợ săn. Lực lượng chính của đoàn thợ săn cầm đuốc, cầm giáo mác đứng chờ ở ngoài đại bái. Sát cửa rừng về cả hai phía có hai người một nam, một nữ dẫn xướng. Trước của lớn gian giữa là nơi dành cho nhà trò múa hát. Dân làng đứng xem chật cứng trong đình và xung quanh đình trên đường hổ chạy.
 
Sau khi đặt các vai xong, các trò diễn được bắt đầu. Màn thứ nhất là màn hát chúc thánh của các ca nữ phường Đồng Trữ, tiếp đó là các điệu múa tiến lộc, múa lọ, múa trượng. Màn thứ hai: khi đèn nến trong đình phụt tắt chỉ còn ánh sáng ngoài sân đình hắt vào lờ mờ. Từ trong cánh rừng vang lên tiếng gà gáy, chim kêu. Bên nam bên nữ cùng nhau xướng họa theo màn biểu diễn của đoàn săn quanh đình làng trong ánh sáng của cây đuốc rực cháy, trong tiếng hò reo, tiếng trống, chiêng, mõ, thanh la, tù và vang động khắp trời. Tiếp theo màn đối đáp đả hổ lang (đánh hổ) là màn uy hùng đả hổ (oai hùng diệt hổ lang). Ở màn này, sau lời xướng của người nam giới, hổ dữ từ trong rừng bò ra. Các quan viên làm động tác đánh nhau với hổ. Tiếng chiêng, trống, mõ, tù và nổi lên dồn dập. Hổ bị trọng thương vọt khỏi cung ra ngoài. Đoàn săn đuổi đến “cống đá cửa đình” thì đổ gục xuống. Theo lệ, người đóng vai hổ, trút bỏ lốt hổ, rồi chạy một mạch về nhà, không được ngoái đầu lại, lên giường nằm thở dốc, như vừa qua khỏi một cuộc vật lộn thực sự. Trong khi đó, mọi người dự hội thi nhau xô vào giẫm, giằng xé lốt hổ để biểu thị sự trừng phạt, đồng thời lấy được một mảnh lốt để “làm khước”. 
 
Sau hàng giờ diễn ra cảnh “đánh biệt” căng thẳng, hấp dẫn, đèn nến trong đình lại bừng sáng. Đoàn thợ săn trở vào cung dọn sạch cánh rừng, kết thúc lớp trò chính của đêm giã hội bằng các lời ca chúc Thánh, múa bông mừng thắng lợi. Sau đó là đám rước “hoàn cung” (rước các ngài về quán), vẫn theo nghi thức cũ, trước ánh sáng huyền ảo của hàng trăm ngọn đèn lồng, cây đuốc đình liệu. Khoảng 11 giờ đêm, đám rước đến quán, đèn nến trong quán lại được tắt để chuyển bài vị của các ngài lên ban thờ trong thượng cung.
 
Xong xuôi, lại đến chầu tế an vị. Khoảng 2 giờ sáng, xong chầu tế là đám rước kiệu không từ quán về đình vẫn trong ánh sáng của đèn đuốc, vẫn uy nghiêm, trật tự. 4 giờ sáng, đám rước về tới đình, cất long đình, cất kiệu ông, hai kiệu bà vào cung, kết thúc kỳ hội.
 
Giã La là đêm giã hội của hai làng Ỷ La và La Nội xưa với trò diễn đánh hổ dữ để tưởng nhớ chiến công của đức Thành hoàng làng đã từng ra tay diệt trừ ác thú, bảo vệ dân thôn từ thời Hùng Vương thứ 18. Giã La với các trò diễn và sự tích như trên không phải là lễ hội của làng La Khê như đã có người hiểu nhầm.
 
Toàn bộ không khí lễ hội Giã La toát lên tinh thần thượng võ, ca ngợi chiến công diệt ác hộ dân của người xưa. Quá trình lễ hội có nhiều lần tắt đèn là để tái hiện cảnh săn thú ban đêm, cũng có lúc là để che giữ long nhan khi chuyển ngai từ cung sang kiệu, do cửa cung hẹp, phải ngả ngửa ngai mới đưa xuống, đưa lên được. Mục đích tắt đèn là thế chứ không phải lễ hội có tính phồn thực như ở một số nơi khác.
 
Lễ hội Giã La là một trong số những lễ hội nổi tiếng không chỉ của xứ Đoài xưa mà là cả khu vực rộng lớn trong vùng. Cùng với việc bảo tồn lễ hội này, đình La Cả và chùa Hoa Nghiêm đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2000.
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/tuc-tat-den-dem-hoi-gia-la_267761.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)