1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Hà Nội xưa

Thánh Láng và di tích chùa bên sông Tô

12/08/2019
Xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu đường 3 gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành Thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924).

Chùa Nền
 

Chùa Nền

Xây theo kiểu chữ Tam: Tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian, hậu đường 3 gian. Sau cùng là hậu cung. Kiểu chùa tiền Thánh, hậu Phật. Chùa có 3 đạo sắc: Thành Thái năm thứ 3 (1891), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 4 (1924). Quả chuông “Đản Thánh Cơ  Chung” cao 1m, đường kính 0,5m đúc năm Canh Thân (1740). Văn chuông do Quốc Tử Giám bác sĩ Tuấn Đức Tử Nguyễn Viết Tuấn (người ở Hạ Yên Quyết) phụng soạn. Chuông ghi hai người đỗ sinh đồ là Đỗ Đăng Thụy và Nguyễn Trọng Đạt. Đó là cảnh đẹp, giáp cổ thành Thăng Long bên dòng Kim Ngưu thơ mộng. Chùa tên chữ là Đản Cơ tự hoặc Cổ Sơn tự, nguyên trước là đền thờ song thân của Thánh Từ: Từ Vinh và Tằng Thị Loan. Tương truyền vị trí này làm trên nền nhà của Thánh Từ hồi bé trước khi nhà sư trở thành nổi tiếng. Bộ VHTT xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật 22/4/1992. Một thuyết khác lại nói Thánh Từ được sinh ở Vườn Nở  Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, nay là chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Cha là Từ Vinh, mẹ là Tằng Thị Loan, Hội chùa Đồng Bụt (Tổng Xếp) mở ngày 10/3 đã đi vào câu ca:

Mồng 7 tháng 3 hội Thầy

Chùa Thưa

Theo Việt sử lược, Đại Điên thác sinh làm Giác Hoàng, lên 3 tuổi nói được nhiều chuyện. Vua Lý Nhân Tông lấy làm lạ đón từ Thanh Hóa về chùa Báo Thiên ở kinh thành Thăng Long. Thánh Từ nhờ chị Từ Lan giả làm người đi lễ, mang bùa yểm làm cho Giác Hoàng bị chết, sau đó Thánh Từ thác vào con của Sùng Hiền Hầu, em  của nhà vua. Đứa trẻ sinh ra sau được lên ngôi vua là Lý Thần Tông… Chùa Thưa bị chiến tranh tàn phá từ cuối thế kỷ XIX. Nay đã được khôi phục dưới dạng một ngôi miếu, nằm trong khu sân của Viện Khoa học Giao thông phía đầu ô Cầu Giấy. Hậu cung có bản sắc phong của Khải Định thứ 9 (1924) phong “Từ Nương Tôn thần”.

Đền Vua Bà

Đền Vĩnh Bảo Đài ở cạnh chùa Láng. Bao quanh là hàng cây cổ thụ như cây muỗm, cây đại, cây thông. Đền có 3 gian hướng Nam. Hậu cung có ngai thờ bà vú nuôi của vua Lý Thần Tông hồi nhỏ nên dân làng quen gọi là đền Vua Bà. Bà mất ngày 3/12 được phong là “Từ Phúc Hoa, Lý Mẫu cung thần”. Đền còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, thập nhị Sơn Trang, Bồ Tát, Thủ đền, lầu Cô, lầu Cậu… Ngày đại hội 7/3 khi kiệu Thánh Láng đi qua thì dừng một lúc làm lễ bái vọng. Bình thường ngày mùng một, ngày rằm, người đi lễ chùa Láng thường vào lễ coi như đền Trình.

Đền Dốc Cót

Ở cạnh cầu Cót lối qua sông Tô sang làng Cót Thượng (phường Yên Hòa) có đền Dốc Cót thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền Dốc Cót xưa có 6 bệ thờ, có cả bệ thờ Thần Nông. Đền là chặng dừng chân của kiệu Thánh trong ngày hội Láng trước khi “độ hà” qua sông Tô. Các bệ thờ để đặt tượng Thánh Từ và 4 ông hộ vệ (gọi là Tứ trấn Thiên Vương). Nay đền còn thờ Sơn Trang, Bạch Hoa công chúa, lầu Cậu, lầu Cô. Cây ruối từ hàng trăm năm vẫn được giữ gìn… cũng có một thuyết khác cho là đền Dốc Cót là nền nhà cũ của Sùng Hiền Hầu?

Lễ hội Thánh Láng là lễ hội gắn với lễ nghi nông nghiệp có sự tham gia của người nông dân, thợ thủ công người buôn bán đô thị… nhiều vùng quê, đặc điểm hội chùa Láng mang nét mềm mại, thanh lịch, tài hoa có sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa của lễ hội Việt Nam.

Có thể so sánh hội chùa thờ Thánh Láng ở Thủ đô và các tỉnh khác để tìm nét giống nhau, khác nhau trong việc tổ chức hội chùa.

Đạo Phật dân gian hình thành trong nhân dân ta bắt nguồn từ đạo Phật chính thống bên Ấn Độ qua con đường Trung Quốc vào ta. Tuy nhiên nó gạt bỏ triết lý xa xôi, huyền bí mà trở về với cuộc sống trần thế, phần nào phản ánh nét văn hóa Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Ngày nay nó vẫn có tác dụng lớn lao với tâm linh của người Hà Nội.

Từ Đạo Hạnh là một vị thiền sư, một danh nhân văn hóa lịch sử. Nhân vật ấy qua nhiều sách, sử, truyền thuyết để lại một hệ thống chứng tích, lưu giữ ở Chùa Láng, nơi chốn tổ thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông (1128-1138). Đó là cả một tổ hợp lễ hội, trò diễn và sự tích bên sông Tô. Đó là di sản gồm 15 tấm bia đá từ đầu thế kỷ XVII, 12 đạo sắc phong. Những mảnh vỡ huyền tích, huyền thoại được phóng đại qua lăng kính dân gian… cho ta biết phần nào về một đại sư có thật từ thời Lý, về văn hóa Phật giáo Việt Nam. Yếu tố truyền kỳ nằm trong quy luật tiểu truyện thiền sư và cốt lõi của đạo Phật là sinh nghiệp luân hồi, nhân quả, chứng quả, tứ diệu đế (khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế…).

Chùa Láng, chùa Thầy xứ Đoài cũng như nhiều chùa khác với kiểu kiến trúc tiền Phật, hậu Thánh là kiểu kiến thức độc đáo của Việt Nam so với các nước ở Đông Nam Á. Phải chăng sự xuất hiện của kiểu chùa tiền Phật, hậu Thánh khẳng định sự tồn tại của Phật giáo, dòng Mật Tông trên lãnh thổ nước ta. Dòng Mật Tông này được Từ Đạo Hạnh và hai vị Thánh khác đi ngược sông Nhị, đến vùng Kim Xỉ Man (Ấn Độ)  Ngân Xỉ Man (Vân Nam, Trung Quốc) tu đắc đạo rồi trở về. Có thể chẳng con đường du nhập Mật Tông quan trọng là dọc sông Nhị, sông Tô, sông Đáy, bờ Nam của sông Hồng. Còn dòng Thiền Tông tìm mảnh đất ở phía Bắc sông Hồng quanh trung tâm Luy Lâu, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 

Văn Hậu/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)