1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Người Hà Nội

Liệu cái thời đắt như tôm tươi, rẻ như bó muống có còn đúng nữa không?

14/10/2017
Ngày còn đi học mẫu giáo, với đám trẻ con chúng tôi 200 đồng có giá trị lắm. 200 đồng tương đương với một gói 5 cái kẹo cao su Singum Doublemint, bằng giá thuê một quyển truyện tranh mỏng lét ở hàng cho thuê truyện đối diện nhà. Ngày tết lì xì 5 nghìn đã là sang, ăn sáng mua một cái bánh mì cũng chỉ mất có 1 nghìn, thế nên 200 đồng là cả một gia tài với đám lít nhít hàng ngày đong đếm thế giới bằng kẹo và truyện tranh.

 

Năm 2003, tiền xu và polyme xuất hiện. Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy tờ tiền 500.000 đồng, lúc ấy tiền vẫn có giá trị nên 500.000 đồng là khoản tiền không nhỏ, đủ tiền ăn một gia đình ba người gần một tuần. Bó rau muống cũng từ 500 đồng mà tăng lên thành 1.000 đến 2.000 đồng.


Năm 2003, tiền polymer 500 nghìn đồng xuất hiện, đến nay vẫn là tờ tiền mệnh giá lớn nhất

Năm 2011, tôi xa nhà lần đầu để lên Hà Nội học đại học. Chuyện chợ búa, bếp núc cũng phải học cách tự lo. Bữa đầu tiên đi chợ, tôi suýt sốc khi nghe giá rau muống, 8.000 đồng một mớ, bằng ba quả trứng rồi. Ai dám bảo rau rẻ nữa, những thứ khác như bắp cải, dưa chuột cũng chẳng bao giờ có giá dưới 10.000 đồng một kg.
Từ đó đến nay, giá rau biến động liên tục. Có những đợt đỉnh điểm, chẳng hạn như sau đợt mưa lũ hay tăng giá xăng, rau cứ vô tư đội giá ào ào. Có những lúc giá rau lên đến 18.000 đồng mà chả ai dám kêu. Giá chung là như thế rồi. Cơm không rau như đau không thuốc, người ta nhịn ăn thịt, ăn cá được chứ nào có ai nhịn ăn rau được, táo bón chết.


Cơm sinh viên có cá rán đã được coi là khá sang

Năm 2013, lúc ấy rộ lên các bài viết cảnh báo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hình như hồi ấy cùng đợt với vụ sữa nhiễm melamine ở Việt Nam thì phải. Nhìn chung những bài viết ấy xuất hiện tạo ra hiệu ứng domino, cứ dăm ba ngày lại có một bài viết kiểu phát hiện cơ sở này chế biến thực phẩm không hợp vệ sinh, nhà hàng nọ bị thanh tra, bị đóng cửa vì vi phạm nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể mỗi ngày tỉnh dậy, mở máy tính lên đọc báo là lại thấy tin ngôi sao này mới qua đời vì ung thư, nghệ sĩ nọ đang trải qua những ngày cuối đời trên giường bệnh vì bệnh thập tử nhất sinh. Mà ung thư với bệnh tật là do đâu? Do thực phẩm bẩn mà ra cả. Của đáng tội, vấn đề kéo dài hàng bao năm, không ít lần báo chí truyền thông đã phải vào cuộc, thế nhưng giờ bùng phát như ly nước bị tràn đầy không cách nào ngăn được. Sau một thời gian, người dân dường như đã khôn ra. Họ hiểu rằng chẳng thể trông mong cơ quan chức năng cứu vớt được họ, cũng chẳng thể cầu xin được gian thương đừng tuồn thực phẩm bẩn ra thị trường (Nếu được thì những người đó đã chẳng gọi là gian thương). Cuối cùng chỉ có thể là tự mình cứu mình mà thôi.

Liệu cái thời đắt như tôm tươi, rẻ như bó muống có còn đúng nữa không?

Trong số hơn 126.000 ca ung thư mới và trên 94.000 người tử vong, có đến 35% là do thực phẩm bẩn
Những ai tinh ý sẽ nhận ra rằng giai đoạn này, một số gian hàng bán thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ra đời. Ban đầu, những cửa hàng này chỉ là cửa hàng nhỏ, mở ra rất dễ dàng và cực kỳ thu hút. Thế nhưng, thói đời thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, hiện nay cạnh tranh ở thị trường thực phẩm sạch cũng khắc nghiệt không kém gì cạnh tranh trên thị trường chứng khoán, đến nỗi nhiều lúc tôi vẫn đùa, bảo nếu đưa họ lên sàn, phát hành IPO chắc cũng hút khách chả kém bất cứ doanh nghiệp thứ thiệt nào, thậm chí có khi còn hơn, bởi vì cổ phiếu cũng như thịt cá, nhịn được, chứ có ai nhịn ăn rau được.
Thế nhưng, mua thực phẩm sạch giá lúc nào cũng cao hơn thực phẩm bình thường ngoài chợ từ 2 – 3 lần. Mặt hàng nào cũng vậy, từ bó rau cho đến các loại thịt, củ quả. Như ngoài chợ, một bó rau muống chỉ có giá 3.000 đồng thì ở đây rau muống lúc nào cũng phải bán từ 6.000 đến 12.000 đồng. Vì thế, người ta lại bắt đầu sốt trồng rau tại nhà.


Những cửa hàng thực phẩm sạch như thế này bây giờ không thiếu

Có bắt tay vào làm mới biết trồng rau tại gia cũng chẳng đơn giản như người ta quảng cáo trên mạng. Bởi ngoài vấn đề đất trồng ra, người trồng còn phải để ý đến nhiều yếu tố khác như giống cây trồng, lượng nước, cách chăm bón, đảm bảo dw lượng thuốc bảo vệ thực vật... Thế mới thấy để được cân thịt, mớ rau ngoài cửa hàng thực phẩm sạch người ta phải vất vả đến mức nào, bảo sao giá không độn lên gấp mấy lần.
Có lần anh Trần Quỳnh, giám đốc của eGarden - Vườn rau thông minh tâm sự với tôi rằng:“Có một chuyện khá là hài hước, đó là các cụ nhà mình thường bảo: “Khách đến nhà chỉ có cơm rau dưa thết đãi.” Như vậy, dân mình vô hình chung đã mặc định rau là một thứ gì đó rất rẻ. Nhưng trên thực tế, hiện giờ để làm được một cân rau sạch và đạt chất lượng rất đắt, có khi còn đắt hơn cả thịt.” Quả đúng như vậy, khi mà thực phẩm bẩn vẫn còn hoành hành và thực phẩm sạch chưa thể tiếp cận với đại đa số người dân, một bữa cơm “sạch” đúng nghĩa vẫn còn là điều gì đó khá xa xỉ.

Nguyễn Hào

Theo: Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)