1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Người Hà Nội

Hà Nội một thời để nhớ

07/02/2020
Nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang vừa ra mắt bạn đọc tập thơ Ký ức Hà Nội (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Tập thơ là một câu chuyện đa thanh, đa sắc, đa chiều kích được kể lại bằng thơ theo cách của Lê Huy Quang.

Nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang vừa ra mắt bạn đọc tập thơ Ký ức Hà Nội (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Tập thơ là một câu chuyện đa thanh, đa sắc, đa chiều kích được kể lại bằng thơ theo cách của Lê Huy Quang.

Ký ức Hà Nội được Lê Huy Quang gọi là liên khúc đoản ca. Theo tôi, đây là một khái niệm mới của Lê Huy Quang. Liên khúc đoản ca của ông là một tập hợp những bài thơ ngắn hoàn toàn độc lập với nhau về mọi khía cạnh: từ ý tưởng chủ đề, cấu tứ, giọng điệu, khúc thức, ngôn ngữ và hình thức thể hiện,… được đánh số thứ tự từ I - XXXIX cùng với hai khúc Tưởng niệm I - An Dương 1972 và Tưởng niệm II - Khâm Thiên 1973 nhằm phục vụ cho tư tưởng chủ đề bao quát là Ký ức Hà Nội.

Cũng cần nói thêm rằng, liên khúc đoản ca không phải là trường ca. Bởi lẽ trường ca được hình thành và xây dựng nên dựa trên cơ sở những câu chuyện như là có thật mà cốt của nó thường gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật lịch sử, người anh hùng có công trong quá trình khai quốc, bảo quốc và dựng quốc nên có âm hưởng anh hùng ca và phong cách sử thi cổ đại rất rõ.

Trường ca thường có kết cấu chương hồi và liên kết với nhau theo trục thời gian tuyến tính. Còn liên khúc đoản ca lại là những câu chuyện về những con người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu, lúc nào. Các đoản ca trong liên khúc thường liên kết với nhau theo trục vận động của tâm lý sáng tạo mà phần ưu trội phụ thuộc hoàn toàn vào chiều sâu của ký ức, chứ không phải là chiều dài của sự kiện lịch sử như ở trường ca. 

Có lẽ vì thế mà loại thể này thích hợp nhất để nhà thơ triển khai ý tưởng của mình với quan niệm xuyên suốt và trở thành phong cách thơ của Lê Huy Quang: Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên?/ Nhưng mà PHẢI KHÁC mới nên CHỮ NGƯỜI (Phải khác).

Ngay ở bài đầu tập thơ ông đã gợi mở cho chúng ta biết khá rõ hình bóng người con gái xưa phải ly hương nơi đất khách, đang được nhà thơ mời gọi trở về Hà Nội hôm nay với bao kỷ niệm tuổi ấu thơ chưa bao giờ phai nhạt: “Em xa Hà Nội từ thuở còn thơ/ phố cũ rêu phong im không phai mờ/ hương hoa sữa thơm tròn năm cửa ô/ cánh chim lạc đàn nơi đất khách quê người/…/ nhưng hôm nay em về trào nước mắt/ Hà Nội mùa xuân mưa bụi trắng trời/ ngõ nhỏ nào tóc trái đào em chơi ô ăn quan/ gốc sấu chua nào em nhặt quả chín vàng/ máy nước đầu hè tán bàng xòe nở thiên thanh/…Em về Hà Nội hay không…”

Có thể nói ai đã từng có những ngày thơ bé sống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội này, có những tháng ngày cách xa, dù với bất cứ lý do gì, cũng đều nhớ nằm lòng những danh địa và danh nhân lịch sử có một không hai, đã từng là những nét đặc trưng của Hà Nội mà không phải nơi nào cũng có được. Những người con của Thủ đô Hà Nội, khi ra đi đều mang theo đầy ắp kỷ niệm của một thời mình đã từng sinh ra và lớn lên ở chốn này. Làm sao những người từng sống ở Hà Nội vào những năm từ đầu thế kỷ XX cho đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) lại có thể quên được: … 5 xu cuối cùng trong ngày/ nối toa tôi về ga tàu điện/…/ tôi buông em/ qua ô kính mờ/ giờ này nhà ai chưa ngủ/ chợ Đồng Xuân chờ mặt hàng về,… (I).

Cứ thế và cứ thế, những ký ức về Hà Nội dội mãi vào tâm tưởng của nhà thơ Lê Huy Quang, trải dài toàn bộ 39 đoản ca gói trọn gần 60 trang sách về một Thủ đô yêu dấu một thời đạn bom, một thời hòa bình đúng như trong ca từ bài hát Nhớ về Hà Nội của người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp, một người con miền Nam tập kết, với những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm về một Hà Nội, khi ông đã chia xa về lại quê hương miền Nam.

Và cuối cùng, dường như nhà thơ Lê Huy Quang muốn kết thúc Ký ức Hà Nội ở đoản ca số XXXIX khi ông viết: Và sau chót/ Ta - cùng - nhau - tìm - lại - những - nẻo - đường/…/ chồng chất/ những đớn đau/ những hy sinh/ những được thua/ mất mát./…/ Hà Nội - Thăng Long/ Rồng bay hóa thành ký ức/ kết áng mây hồng/ rạng rỡ suốt ngàn năm.

Nhưng không, với Lê Huy Quang, người đã sống một cách nhiệt thành và đẫm sâu với Hà Nội trong cả những ngày hòa bình, cùng những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, không và không thể phôi phai một mảng ký ức khác. Đó là ký ức về một Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 với hai điểm nhấn là An Dương 1972 và Khâm Thiên 1973. Đấy là nguồn cơn khiến nhà thơ không thể không có hai khúc tưởng niệm này, vừa như là một điểm nhấn quan trọng trong suy tư sáng tạo thi ca của ông, vừa như để tạm thời kết thúc những ký ức của ông về Hà Nội. Tia sáng dậy đầu tiên/ đánh thức tôi qua khung cửa cháy B52/…/ một mảng em trời xanh đông úa/ con đường nào ngơ ngác ngang bên/…/ Đêm trắng suông về lại An Dương/ trắng màu sỏi cát/ quán trà em lên đèn/ gió mùa đê nghiêng/…/ rất nhiều hố bom/ rất nhiều nhà ngói mới/ rất nhiều cây non trồng/ rất nhiều em gái bế con/ rất nhiều chon von quán trọ/…/ em - chờ - tàu - điện - về - đâu? (Khúc tưởng niệm I - An Dương 1972). Thì hóa ra cô gái bế con chờ tàu điện ấy đang tìm về ngôi nhà của mình bị B52 của không quân Mỹ phá sập ở Khâm Thiên: Tôi đang thấy em đi về/ nơi mảng tường cháy đen đầu phố/ nơi chân cầu thang lửa sém góc nhà/ nơi gốc bàng khô úa/ tràn trề tuổi thơ/…/ Tôi đang thấy em/ soi gương đáy nước hố bom/ một cánh hoa đào in bàn tay em nho nhỏ/ nơi quân thù vùi em xuống đó/ đã chôn theo một mảnh tim mình,… (Khúc tưởng niệm II - Khâm Thiên 1973). 

Còn một ý nữa mà tôi không thể không nói tới ở đây là trở lại bài Mở với một câu kết vừa như câu hỏi, lại vừa như lời mời gọi người con gái: Em - về - Hà - Nội - hay - không… Bởi lẽ, một câu hỏi nhưng lại không kết thúc bằng dấu chấm hỏi (?) mà bằng dấu ba chấm (…) thể hiện sự ngập ngừng, lấp lửng của cả người hỏi lẫn người được hỏi, cả người mời lẫn người được mời. Hà Nội là thế đấy sao em lại có thể không về được. Bởi lẽ ký ức muôn đời cũng chỉ là ký ức thôi, những cái đã xảy ra chứ không bao giờ là những cái đang xảy ra, nhưng phần lớn những người có tâm hồn nhạy cảm như nhà thơ nhiều khi người ta sống trong và sống bằng ký ức, dù những ký ức ấy là lãng mạn, thi vị hay chua xót, nhói đau, nhưng muôn thuở ký ức bao giờ cũng là những khoảnh khắc đẹp trong tâm hồn mỗi người. Ký ức thường đem đến cho người ta những giây phút thánh thiện, cho người ta được sống với chính mình hơn trước những sự nhiễu nhương, khắc nghiệt của cuộc sống hiện tại mà chẳng ai có thể vượt thoát được, nếu không trở lại với ký ức của mình.

Xin chúc mừng nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang đã có những vần thơ đẹp và khác hiến dâng cho đời trong những tháng năm này.

Đỗ Ngọc Yên/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ha-noi-mot-thoi-de-nho_256903.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)