1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Giải trí
  4.  › 
  5. Du lịch

Nâng tầm sản phẩm OCOP: Đặc sản vùng miền tạo sức bật cho du lịch cộng đồng

03/06/2020
Phát triển chương trình OCOP gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mô hình kinh doanh cần được nhân rộng để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đồng hành cùng phát triển

Tháng 12/2018, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và Tổng cục Du lịch ký kết Chương trình phối hợp, để xây dựng Đề án cho chương trình quy mô quốc gia này, đồng thời giúp xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.

Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng quản lý Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ: Với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, hàng chục nghìn sản phẩm quy mô cấp huyện, xã sẽ là mục tiêu để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu.

Đặc biệt, trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.

Du lịch cộng đồng

Hiện Việt Nam có 1.864/5.411 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 115 nghề có từ lâu đời. Sản phẩm từ nghề mang đậm nét văn hóa dân tộc. Đặc biệt là sản phẩm từ bản, mường ở miền núi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, kiến trúc và sản vật độc đáo, đời sống văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc của các dân tộc… Đây là tiềm năng du lịch là rất lớn.

Đáng nói, hiện nước ta chưa phát huy hết tiềm năng của du lịch cộng đồng gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Cụ thể, phần lớn hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp và bền vững. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ, khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch...

Chính bởi vậy, theo Trưởng phòng quản lý Chương trình quốc gia OCOP quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, tiếp tục nâng chất hệ thống hạ tầng nông thôn, tập trung không chỉ cho các xã sắp về đích, xã khó khăn mà cả những địa phương có tiềm năng du lịch, tiềm năng lớn về sản phẩm OCOP.

Nắm bắt lợi thế

Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp từ lâu đời, được mệnh danh là vùng “đất trăm nghề”, nên có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì, Sóc Sơn… có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật địa phương và tồn tại nhiều làng nông nghiệp truyền thống. Đây chính là lợi thế rất lớn để Hà Nội phát triển du lịch sinh thái gắn với Chương trình OCOP.

Ông Đỗ Hoàng Thạch - Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất nhỏ, thậm chí “siêu nhỏ” nên còn loay hoay ở nhiều khâu. Ông Thạch đưa ra ví dụ: Cốm Làng Vòng có thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến từ rất lâu, nhưng khi cần thực hiện các thủ tục để chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP thì họ lúng túng. Vì vậy, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường cần có đầu mối hỗ trợ các cơ sở này hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP.

Du lịch cộng đồng vùng cao

Ông Đỗ Hoàng Thạch cho rằng Hà Nội cần kết nối giới thiệu sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành và ngược lại. Đặc biệt, sản phẩm OCOP phải gắn với các điểm tham quan, du lịch để thu hút khách trong và ngoài nước.

Không chỉ Hà Nội, du lịch Lào Cai nói chung và Bắc Hà nói riêng có nhiều tiềm năng để “đánh thức” và nâng cấp thành sản phẩm OCOP. Ngành “công nghiệp không khói” này đã và đang được các địa phương quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài.

Huyện Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu,.... Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để huyện phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung triển khai hiệu quả Dự án Làng văn hóa du lịch cộng thôn Na Lo, xã Tà Chải. Đây là một trong 10 thôn điểm của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai trong Chương trình OCOP.

Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nang-tam-san-pham-ocop-dac-san-vung-mien-tao-suc-bat-cho-du-lich-cong-dong.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)