1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Tự truyện từ trái tim người mẹ

12/09/2017
“Tôi viết “Thư gửi con” một cách nhẹ nhàng và nóng bỏng để con biết mẹ dù có đi xa thì vẫn luôn ở bên mình” - GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ với độc giả trong buổi giao lưu “Mẹ và những câu chuyện giáo dục” mới đây do Nxb Phụ nữ và Viện Goethe phối hợp tổ chức.

GS. TS Thái Kim Lan là người con của xứ Huế. Năm 1965 bà sang Đức du học rồi trở thành giảng viên môn triết học đối chiếu tại Đại học Tổng hợp Ludwig - Maximillian, Munich. Lập thân ở xứ người, bị bao vây bởi nếp sống Tây phương, đã có lúc GS. TS Kim Lan cảm thấy lúng túng vì chưa biết nuôi con, dạy con thế nào. Nhưng rồi tình yêu con vô bờ bến đã giúp cho người mẹ tìm ra “chìa khóa” để nuôi dạy con gái Mai Lan nên người. Mai Lan dù sinh ra ở Đức nhưng lại được nằm trong cái nôi tre thuần Việt, được bú sữa mẹ hàng giờ thay vì phải ngậm nắm vú cao su vô cảm, được bố ôm ấp, được mẹ hát ru…Và không chỉ nói “sõi” tiếng Việt, Mai Lan còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài. Cuốn sách “Thư gửi con” phần nào cho bạn đọc thấy rõ hơn hình ảnh, tấm lòng của một người mẹ Việt Nam nơi xa xứ. Và hơn thế, qua cuốn sách còn giúp độc giả nhìn nhận vai trò giáo dục của người mẹ đối với con cái, sự hòa nhập mà không hề hòa tan trong một nền văn hóa khác.


GS.TS Thái Kim Lan (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh kỷ niệm cùng Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng và dịch giả Nguyễn Bích Lan - Ảnh: ĐT

Mở đầu cuốn sách là quan niệm triết học về ý thức được làm mẹ của tác giả từ lúc hoài thai, niềm hạnh phúc khi cơ thể mình thay đổi, đến việc lựa chọn cho mình một hướng suy nghĩ và thực hành nuôi dạy con. Phần tiếp theo cũng là nội dung trọng tâm của cuốn sách là tập hợp những bức thư và tùy bút (bằng tiếng Đức và tiếng Việt) mà GS.TS Thái Kim Lan viết cho con gái Mai Lan. Phần lớn những bức thư được bà viết trên những chuyến bay, trong lúc chờ đợi ở phi trường hay ở một nơi rất xa con. Mỗi bức thư hay tùy bút đều chan chứa những tình cảm của người mẹ. Tình cảm ấy khi được thổ lộ một cách trực tiếp như: Mẹ yêu con, Con thương yêu của mẹ, Mẹ ôm con thật chặt… khi là những lo lắng nào con ăn có ngon không, con ngủ có ngon không rồi cả những dặn dò rằng con phải đi dạo, tập thể thao hay tưới nước cho cây, cho hoa trong vườn và cả lời hẹn khi trở về sẽ nấu một bữa ăn thật ngon cho con


“Mỗi một lần mẹ đi xa con, mẹ cứ muốn gửi về cho con một tiếng vọng để nó vuốt ve, vỗ về con và nâng con lên cao đến mức con cảm thấy vững lòng, vững tin nơi mỗi bước tiến tới trong cuộc đời, cho con không có sợ hãi, không có lo âu, không có phiền nào” – Những dòng thư ấy GS. TS Kim Lan viết tại phi trường Muenchen khi bà bắt đầu hành trình từ Muenchen đến Frankfurt (Đức). Chỉ là những dòng viết vội vã trên những chuyến bay nhưng ẩn chứa trong mỗi câu chữ là biêt bao ân tình của người mẹ. Kim Lan bảo rằng sự vắng mặt của người mẹ đôi khi chính là “dấu trừ” cho tình thương, bởi vậy bà muốn thay “dấu trừ” bằng “dấu cộng”. Và “dấu cộng” tình thương mà bà đã làm cho con mình đó chính là những bức thư trong hành trình phải xa con, dù có khi hành trình ấy chỉ có đôi ngày.


Bên cạnh những bức thư, phần “Tùy bút cho con” với những bài viết vô cùng thú vị như: Niệm Phật cho con, Nửa (1/2) chuyến về Tết, Một chuyến sang nước Tàu, Vu Lan Huế thấp thoáng trở về, Món quà “Ngày hiền mẫu” cho tôi hay Câu chuyện Hội An… cũng đã đem đến cho người xem rất nhiều cảm xúc. Không chỉ là tình mẫu tử, phía sau mỗi tùy bút còn là những suy ngẫm về thời cuộc, về đạo về đời.

“Quyển sách Thư gửi con này nếu đọc từ đầu chí cuối thì giống hệt như những dòng tự truyện được viết ra từ trái tim và… cái bụng của một người Mẹ tuyệt vời. Quyển sách lại có một giá trị đặc biệt cho những chuyên gia, những hội nhóm có liên quan về thai giáo và nuôi dưỡng trẻ em tham khảo. Thư gửi con còn là một quyển sách bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu về ảnh hưởng của đạo Phật trong khi nuôi dưỡng đứa con. Nhưng trước hết, đây là một áng văn rất đẹp, vừa có chất tự sự với một ngôn từ đầy thi vị, vừa bao hàm những triết lý sâu sắc mà vẫn khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Triết lý ở đây trong Thư gửi con là triết lý sống, triết lý thực tế của cuộc đời chứ không còn là những suy tư riêng của các triết gia nữa. Chúng ta có thể đọc quyển sách này như đang đọc một quyển tiểu thuyết hay, đa dạng ở nhiều vấn đề, bổ ích cho cuộc đời vì có những thí dụ cụ thể, và có ích cho những bà mẹ trong xã hội muốn tìm cách nuôi dưỡng con từ lúc còn là thai nhi cho đến khi trưởng thành” - PGS. TS Trần Văn Khê đánh giá.

Còn với nhà văn Lê Phương Liên thì “Thư gửi con” đích thực là một tác phẩm văn học độc đáo hiếm có. “Nếu những bức thư này mãi mãi nằm kín trong ngăn kéo thư cũ… Những lá thư là “của riêng”… thì… mây vẫn bay, gió vẫn thổi và chúng ta, những người đọc “không có gì”. Những khi những bức thư này đã hiển hiện trong một cuốn sách để dâng hiến cho đời thì nó đã thật sự ngân lên một tiếng chuông. Một tiếng chuông đang ngân nga vọng đi vọng lại trong lòng ai đã đọc cuốn sách này” – nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Nguồn: Gia Phú/Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)