1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Thơ nữ Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của Thủ đô

20/03/2020
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của cả nước. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô cũng là một đội ngũ đông đảo, mạnh mẽ và có chất lượng. Các nhà thơ, trong đó có các nhà thơ nữ là những người nổi tiếng không chỉ trong phạm vi Thủ đô, mà còn là trong cả nước.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh - hai nhà thơ nữ danh tiếng

của đất Kinh kì Thăng Long.

Nói về thơ nữ Hà Nội, thiết nghĩ cần phải nhắc đến hai nhà thơ nữ danh tiếng của đất Kinh kì Thăng Long là nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh mà chúng ta quen gọi là Bà Huyện Thanh Quan. Những bài thơ của hai bà có vẻ đẹp cổ điển luôn được trích trong Văn tuyển và cả sách giáo khoa.

Trước và trong kháng chiến chống Pháp và khi hòa bình lập lại, Hà Nội có các nhà thơ nổi tiếng như: Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài. Anh Thơ nổi tiếng với tập thơ Bức tranh quê được Giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Nhà thơ sáng tác rất bền bỉ. Bà đã in 11 tập thơ.

Ngân Giang cũng nổi tiếng sớm, “sáu tuổi nói thành thơ, chín tuổi có thơ đăng báo, mười sáu tuổi có tập thơ đầu tay Giọt lệ xuân”, nhưng không hiểu vì lí do gì, Hoài Thanh không nhắc đến bà trong Thi nhân Việt Nam. Nhưng Ngân Giang càng nổi tiếng khi thêu bài thơ “Kính dâng các bậc anh hùng dân tộc” trên tấm vóc đại hồng, tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ lớn đã đáp lại: “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Bà in 5 tập thơ.

Vân Đài khiêm tốn hơn, nhưng thời đó ít phụ nữ làm thơ. Bà có  3 tập thơ, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Thời kì kháng chiến chống Mỹ xuất hiện hai nhà thơ tài năng là Xuân Quỳnh và Phan Thị Thanh Nhàn. Có thể nói là hai nhà thơ này có thành tựu lớn, đều đã nhận giải thưởng Nhà nước, Xuân Quỳnh còn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phan Thị Thanh Nhàn in riêng 7 tập thơ. Các bài nổi tiếng nhất là: Hương thầm, Đám cưới ngày mùa, Một người, Con đường, Không đề.

Xuân Quỳnh in 10 tập thơ. Các bài thơ nổi tiếng: Tự hát, Sóng, Tiếng gà trưa, Mẹ của anh, Hoa cỏ may, Thuyền và biển.

Tiếp sau có một loạt các nhà thơ cũng khá nổi tiếng là: Bùi Kim Anh, Nguyễn Thị Mai, Lê Thị Mây, Đoàn Thị Lam Luyến, Hoàng Việt Hằng, Phi Tuyết Ba, Tuyết Nga, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Ký, Phạm Hồ Thu, Giáng Vân, Dương Thúy Mỹ, Trần Lan Vinh…

Bùi Kim Anh đã in gần 10 tập thơ. Chị đã đoạt 2 giải thơ báo Văn nghệ 1990 và 1995, Giải thơ báo Người Hà Nội, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT 1995, Giải thơ Lục bát báo Giáo dục và thời đại 1998 -1999. Bài thơ nổi tiếng là Khoảng cách.

Nguyễn Thị Mai cũng khoảng 10 tập. Chị đoạt giải thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989 - 1990; Giải B, Giải A của Ủy ban toàn quốc Liện hiệp các hội VHNT Việt Nam, Giải Ba thi thơ tình lục bát báo Văn nghệ trẻ, Giải Nguyễn Trãi của tỉnh Hà Tây. Các bài thơ nổi tiếng là: Qua hàng trầu vỏ, Nhà không có bố,…

Lê Thị Mây in hơn 10 tập thơ và trường ca. Chị đã đoạt các giải thưởng thơ: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1990 cho tập Tặng riêng một người, Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho trường ca Lửa mùa hong áo. Các bài thơ nổi tiếng: Đám cỏ xanh, Gió quả phụ…

Đoàn Thị Lam Luyến in 10  tập thơ. Chị đoạt giải cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1989 -1990; Tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam 1995, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2004. Các bài thơ nổi tiếng là: Chồng chị chồng em, Cánh cửa nhớ bà, Ngôi giáo làng, Châm khói…

Hoàng Việt Hằng in khoảng 7 tập thơ. Chị đã đoạt các giải thưởng: Giải B Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 1990 - 1995; Giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 1996, 2005; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, 2008. Gần đây nhất tập Em đã đốt thơ tình anh tặng được bạn đọc hồ hởi đón nhận.

Phi Tuyết Ba cũng viết và in nhiều (khoảng 6 tập). Chị đoạt các giải thưởng: Giải B cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng 1987; Giải Khuyến khích báo Phụ nữ Việt Nam 1994; Giải Khuyến khích báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2001. Các bài thơ nổi tiếng là: Đôi guốc đỏ, Cái ghen, Chiếc lá…

Tuyết Nga in khoảng 5 tập thơ, đã nhận các giải thưởng: Giải B không có giải A của Ủy ban toàn quốc Liện hiệp các hội VHNT Việt Nam 1993 cho tập Viết trước tuổi mình; Giải B không có giải A của của Hội Nhà văn Việt Nam  cho tập Ảo giác 2003; Giải Tư cuộc thi thơ báo Văn nghệ, 1995; Giải Hồ Xuân Hương của UBND tỉnh Nghệ An. Các bài thơ nổi tiếng: Nói với con về bà ngoại, Con gái mẹ, Ảo giác 1,…

Nguyễn Thị Ngọc Hà đã in 6 tập thơ, giải Ba cuộc thi thơ Lục bát báo Văn nghệ 2003. Các bài nổi tiếng: Quê chồng, Một đốm lửa, Chín mùa hạ,…

Đoàn Thị Kí đã  in 4 tập thơ, đoạt các giải thưởng: Giải Khuyến khích cuộc thi thơ của TP. Hồ Chí Minh, 1993; Giải Tây Côn Lĩnh (Hội VHNT Hà Giang), 1997; Giải thơ hay của báo Người Hà Nội 2005. Bài thơ nổi tiếng: Cái đêm ấy thế mà mưa.

Phạm Hồ Thu đã in 4 tập thơ, nhận Giải thưởng thơ hay báo Người Hà Nội,  Giải thi thơ báo Văn nghệ 1989 – 1990, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Quà tặng.

Dương Thúy Mỹ đã in 4 tập thơ, đã nhận được các giải thưởng: Giải thơ lục bát báo Văn nghệ trẻ 2003, Giải thơ quỹ VHNT hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Giáng Vân đã in một số tập thơ. Tập Đường gió của chị được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Các bài thơ nổi tiếng: Yên tĩnh, Đâu phải tại mùa thu.

Trần Lan Vinh in 5 tập thơ. Hai tập thơ được dư luận đánh giá cao là: Gọi mưa và Lục bát đồng dao.

Sau các nhà thơ đó, hình như có một sự hụt hẫng về lực lượng.

Có Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư được chú ý và nổi bật một thời. Nhưng sau đó cũng không có thành tựu tiếp tục. Lan Hoàng Miên, Bàng Ái Thơ sau khi vào Hội Nhà văn Việt Nam viết ít hẳn đi.

Có thể nói rằng gần đây, lực lượng thơ nữ trẻ của Hà Nội là khá mỏng và không có cá nhân nổi trội. Các tác giả Chử Thu Hằng, Phạm Phương Thảo, Hạnh Mai, Đoàn Ngọc Thu đã cứng tuổi. Tác giả Vũ Minh Huệ, Hoàng Cẩm Nga có giọng điệu mới, song mới là đang hứa hẹn, mà tuổi cũng chỉ “trẻ” hơn các bậc đàn chị “cao tuổi” mà thôi. Một số tác giả nữ mới được kết nạp vào Hội như: Phương Nghi, Lê Thanh Hảo Vân, Nguyễn Minh Hiền… tuổi đã khá cao.

Thơ nữ Hà Nội là niềm tự hào không chỉ của Thủ đô, mà là niềm tự hào của cả nước. Thiết nghĩ Hội Nhà văn Hà Nội cần có sự quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các cây bút nữ để truyền thống thơ nữ tiếp tục được phát triển. Chỉ có chị em mới có thể viết thấm thía và hay về tình yêu Tổ quốc, tình mẫu tử, tình yêu nam nữ, tình chị em. Đó là điều mong mỏi không riêng của chị em, mà của tất cả mọi người.

Vũ Nho/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tho-nu-ha-noi-khong-chi-la-niem-tu-hao-cua-thu-do_256092.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)