1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long: “Kiến tạo” đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội

16/08/2019
Trong những năm qua, Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực trong việc thu hút các nguồn lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội. Vĩnh long đã chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các cấp Bộ, Ngành Trung ương và địa phương, đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội. Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực của Vĩnh long thời gian qua, Phóng viên Môi trường& Xã hội đã có cuộc trao đổi với Ông Lữ Quang Ngời – Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long:

PV: Vĩnh Long “kiến tạo” đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển kinh tế xã hội tạo nên một sức bật mới đáng kể như thế nào, thưa Ông?

Ông Lữ Quang Ngời – Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long:

Xác định tầm quan trọng của công tác thu hút mời gọi đầu tư trong quá trình phát triển và hội nhập, thu hút mọi nguồn lực đầu tư được xem là một trong những chủ trương lớn của tỉnh nhằm huy động ngoại lực để thúc đẩy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong những năm qua, Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực trong việc thu hút các nguồn lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội. Tỉnh đã xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư từng thời kỳ, từng giai đoạn; phối hợp tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư ngoài nước. Đáng chú ý, kể từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018, đã có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan...

Ông Lữ Quang Ngời – Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long

Để huy động và sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt. Sau gần 3 năm (2016- 2018) triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Đáng chú ý, huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 36.942 tỷ đồng, tăng bình quân 6,18%/năm. Triển khai đầu tư 378 dự án/công trình hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 8.700 tỷ đồng. Nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, tạo thêm diện mạo mới và đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, văn hóa- thể thao- du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin, đô thị, khu- cụm công nghiệp, xây dựng nông thôn mới… đều có bước phát triển. Đặc biệt về giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới đều có khả năng đạt hoặc vượt cao so với mục tiêu đề ra.

Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đáp ứng được tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; cơ sở hạ tầng đã được tập trung đầu tư xây mới hoặc nâng cấp với nhiều công trình hữu ích, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo cảnh quan và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Đến nay hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ, hệ thống đường bộ từ Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện được đầu tư kết nối liên hoàn thành một hệ thống thông suốt, phục vụ tương đối tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và kết nối các cảng sông, cảng biển, hàng không,..sẵn có trong khu vực từ Vĩnh Long khá thuận lợi, thuận tiện cho việc lưu thông và giao thương hàng hóa trong và ngoài nước.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đang từng bước hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư. Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 khu công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động gồm: khu công nghiệp Phú Hòa (giai đoạn 1 và 2) và khu công nghiệp Bình Minh. Ngoài ra, có 3 khu công nghiệp (Đông Bình, Bình Tân và An Định) đã được bổ sung vào quy hoạch đang tiến hành kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh đã định hướng quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng. Hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh Vĩnh Long đã được đầu tư tương đối rộng và trở thành một kênh phân phối quan trọng, cung cấp hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân địa phương. Để đáp ứng đầy đủ nước sạch cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ ngày càng tăng, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư các dự án cấp nước sử dụng cho sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Lĩnh vực công nghệ thông tin được tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Đến nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh ở mức độ tương đối khá, internet cáp quang tốc độ cao đến 100% xã, phường, thị trấn.

PV: Nhận xét về sự cải thiện và phát triển chung về môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian qua, động lực giúp kinh tê địa phương phát triển về: công nghiệp-Thương mại- Dịch vụ và du lịch

Ông Lữ Quang Ngời – Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long:

Trong thời gian qua, Vĩnh Long đã tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quy mô nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng được duy trì ổn định, bình quân khoảng 7% mỗi năm. Giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, tức GRDP năm 2018 đã đạt gần 33 ngàn tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng:  Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thuỷ sản chỉ còn 35%. Ngành nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững.  Khu vực công nghiệp - xây dựng trên 18%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,7%. Khu vực thương mại - dịch vụ có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, với mức tăng trưởng bình quân là 7,24%/năm. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 45.670 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt trên 460 triệu đô la Mỹ.

Với sự nỗ lực quyết tâm đổi mới, đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp của lãnh đạo và các cấp chính quyền trong tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh có những bước cải thiện và chuyển biến tích cực, liên tục nằm trong nhóm tốt của cả nước. Kết quả này là sự ghi nhận nỗ lực trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của Vĩnh Long, là những dấu hiệu tích cực khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, tỉnh luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng chỉ đạo và điều hành công tác cải cách hành chính, hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển xã hội năm 2019 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Bên cạnh đó, với việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính của tỉnh nói chung và cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói riêng, nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng hiện đại; phục vụ tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn. Đây được coi như bước đột phá trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch. Nghiên cứu hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công để giải quyết trực tuyến mức độ 3 hoặc 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Nhà nước; tiếp nhận và xử lý trực tuyến các kiến nghị vướng mắc về thủ tục hành chính.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, Vĩnh Long đã luôn nỗ lực trong việc xây dựng các phương thức, giải pháp kêu gọi đầu tư của mình, như: Tập trung nghiên cứu, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý; nguồn lao động; nguồn nguyên liệu. Luôn đồng hành và đặt nhà đầu tư vào vị trí đối tác quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Vận dụng và kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và thu hút được nhiều dự án, nhà đầu tư hơn, có chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh, bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách của Trung ương về đầu tư kinh doanh, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh,...

Những năm gần đây tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng – công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp – nông thôn, văn hóa – giáo dục và môi trường. Các dự án đầu tư đã và đang mang lại nhiều khởi sắc, đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã góp phần lớn trong việc nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Đặc biệt trong năm 2018, do thực hiện tốt công tác mời gọi đầu tư cùng với việc tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, Vĩnh Long đã thu hút được lượng lớn nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long; số lượng dự án tăng gấp 3,6 lần, vốn đăng ký cao gấp 2,9 lần so với năm 2017. Có thể thấy, thu hút các nguồn lực, phát triển doanh nghiệp đã góp phần lớn trong việc nâng cao giá trị sản xuất ngành công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Chính vì thế, bên cạnh tăng cường đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh còn tận dụng các cơ hội để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Đặc biệt những năm gần đây, trong quá trình phát triển và hội nhập, nền kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ trên nền tảng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại.

Vĩnh Long đã, đang và tiếp tục nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn và tin cậy, nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh nhất định, góp phần ổn định, tăng cường tính hiệu quả trong việc xúc tiến, mời gọi đầu tư vào tỉnh. Với những biện pháp, giải pháp căn cơ, cơ bản, cụ thể: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung xây dựng một nền công vụ theo hướng “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả”.

PV: Để phát triển bền vững và phù hợp với đặc thù của địa phương theo ông thì về mục tiêu trọng tâm mà Vĩnh Long cần tập trung thực hiện trong năm 2019 và những năm tiếp theo như thế nào?

Ông Lữ Quang Ngời – Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long:

Để đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội, nhất là mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt trình độ phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long cần có thêm nguồn lực, điều kiện để tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội:

Một là, phải ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; cùng sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, năng động, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Hai là, các thế mạnh phải được tận dụng triệt để, chủ động biến lợi thế, tiềm năng thành hiện thực. Trong đó, cần khai thác tối đa vị thế thuộc khu vực trung tâm địa lý của vùng để phát triển thương mại, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các doanh nghiệp lớn, đầu đàn tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, đột phá trong chính sách huy động và có cách triển khai cụ thể, hiệu quả đối với từng loại nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ từ đô thị đến nông thôn và kết nối với các trục phát triển của vùng ĐBSCL. Tăng cường các hoạt động liên kết vùng ĐBSCL và vùng Duyên hải phía Đông để chia sẻ nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành; tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển trùng lắp, manh mún, kém hiệu quả.

Bốn là, phải khơi dậy nguồn lực từ đất đai và tài sản, kết cấu hạ tầng trên đất. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, ngăn ngừa đầu cơ, lãng phí. Phân bổ hợp lý tài nguyên đất phù hợp với tiềm năng thế mạnh, tạo không gian liên kết kinh tế, tương hỗ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển giữa các vùng, địa phương trong tỉnh. Có cơ chế chính sách, nguồn lực để tạo quỹ đất sạch, mặt bằng cho đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao.

Năm là, phân tích, đánh giá thực chất năng lực của các thành phần kinh tế, định hình lại các cơ chế, chính sách và đầu tư hiện hữu để có cách nhìn tổng thể, toàn diện và dài hạn đối với sự phát triển của nền kinh tế địa phương qua đó, tạo động lực, đột phá mới cho phát triển trên địa bàn. Nâng cao nhận thức, khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp của người dân; phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong toàn xã hội, góp phần đưa khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Sáu là, phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học và tổ chức trong và ngoài nước trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống. 

 Bảy là, phải đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử; tinh gọn bộ máy nhà nước; cắt giảm số lượng và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực truyến và các dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tám là, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề về môi trường. Nâng cao thu nhập, giảm đói nghèo, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người. Tăng cường khả năng chống chịu; huy động nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống để khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu quê hương, đất nước, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.

Với việc nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và ổn định, cùng với vị trí địa lý trung tâm của vùng ĐBSCL, là vùng đất hiền hoà, cư dân năng động, sáng tạo, chính quyền thân thiện - đồng hành và định hướng mời gọi đầu tư rõ ràng, minh bạch, đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhà báo Văn Mười/ Môi trường& Xã hội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)