1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Những thông điệp thực trong thế giới ảo

31/10/2019
Tôi khá ngạc nhiên và thích thú khi đọc truyện Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa của Hiền Trang. Đọc xong tác phẩm cho ta một cảm giác lớn lên. Tác giả có một trí tưởng tượng tốt, tư duy logic, lập luận sắc bén, cốt truyện chặt chẽ, đưa ra nhiều ánh xạ, lật xới, phản biện lại những gì đã trở thành cố hữu trong cõi ảo, thực với nghệ thuật mô tả và dụng ngôn độc đáo. Tập truyện đề cập nhiều vấn đề lớn của triết học và nhân sinh: Ý NGHĨA, TỒN TẠI, CHÂN LÝ, THỜI GIAN & CÁI CHẾT.

 

 

Cuộc sống có Ý NGHĨA hay chỉ là những tệp lặp đi lặp lại vô nghĩa. Nhân vật “gã” trong Cô gái trên sân thượng “vô dụng như một cái bánh kem đối với một người chết”. Cuộc sống diễn ra đều đều như thanh nhựa sản xuất hàng loạt. Ngày nào “Thế giới này chả diễn ra những chuyện y sì như thế”. Nhịp điệu dập khuôn chán nản vô cùng  “Sáng hôm sau lại một vòng lặp lại y như vậy”. Sự tàn bạo của xã hội và gia đình giết chết đam mê, năng khiếu của “gã”. Bản thân “gã” yếu đuối chỉ còn biết bọc giấc mơ cất vào hòm khóa kín ném xuống biển và ngồi trên vách đá khóc đến tối. Như vậy nguyên nhân đích thực ở tự thân chứ “nếu thực sự là do áp lực cuộc sống, chắc loài người đã tuyệt chủng”.

 

Trong Tấu khúc tháng sáu, nhân vật hoạt náo như bọ gậy: “Đời vẫn có những ngày… Anh đi loanh quanh và đi loăng quăng,…” để rồi tự mỉa mai: “anh thấy phục mình… vì đã có thể sống buồn chán thế mà vẫn sống lâu đến thế”. Như một mẫu số chung cho biết bao người: “quãng đời mà anh đã sống đã luôn là như thế: Cứ định làm một cái gì đấy rồi lại chẳng làm gì cả”. Cuộc sống “vô vị không bằng một cái máy tính”.

 

 Tác giả cật vấn về sự xuất hiện và TỒN TẠI: “Có ai muốn được sinh ra đâu? nhưng vẫn phải chào đời và vẫn phải sống”. Tâm hồn trở nên trống rỗng, cuộc sống vô vị chán ngán làm sao khi mà: “Một giấc mơ có khi một lần đỉnh cao của một cuội đời thế mà vẫn phải bán”… Các vấn đề được nhìn nhận theo hiện tượng học: “Còn tại sao họ gọi tôi là màu vàng ư? có trời mới biết… phần lớn cái tên đều vô nghĩa”.

 

Nhiều CHÂN LÝ được nêu lên: “Phi lý mới là đời mà anh bạn - Vincent” (T 14). Phản biện lại lối định dạng chủ quan dựa vào những tập tính, khẩu vị của đối tượng: “Ăn cá không phải thứ định nghĩa một con mèo (T 71). Truyện ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng đưa ra hướng tiếp cận chân lý hết sức mông lung trừu tượng, vị cảnh sát nói “việc của cảnh sát chúng tôi không phải đi tìm một sự thật. Việc của chúng tôi là tìm một thứ mọi người tin là sự thật”. “Hỏi han chỉ khiến người bị hỏi phải bịa ra những lời nói dối”  (T 215).  Chân lý chỉ có thể xác định được khi có đối sánh về “con thạch sùng này gầy”… “Gầy là so với cái gì nào” (T 105).  Chân lý nhiều khi logic giản đơn:“Khi người ta không muốn làm thì người ta không làm. Đó là lý lẽ hợp lý nhất trên đời” (T 166) và là sự phản biện lại tuyên truyền khi người ta nói thuốc lá lấy đi tính mạng con người nhưng thực sự chính con người lấy đi tính mạng của thuốc lá trước. 

 

THỜI GIAN Xuyên Không dọc dài thế kỷ và được nhào lộn điêu luyện, tùy ý tưởng tưởng tượng và chủ đề. Thói vô tình khiến nhân vật còn hay mất tích cũng chẳng ai quan tâm: “họ coi anh như kẻ lạc vào mênh mông đời mình, như vô số kẻ đã chìm vào trong đất”. Nhưng tàn tệ hơn nữa là khi anh trở lại, trái đất này đã không còn chỗ cho anh: Không chỗ làm, không chỗ ở, không đường đi… Cách tác giả luận về thời gian tuy lạ nhưng chính xác và có tính thuyết phục cao: “Thời gian là thứ duy nhất không bao giờ trễ hẹn” (T 196); “Thời gian nhiều khi quá ngắn so giữa cuộc đời và một bản nhạc”. Thời gian đao kiếm vô tình: “Ngày tháng muôn đời vẫn là khách qua đường”…

 

Tác giả nêu lên mối đe dọa về sự cạn kiệt cảm xúc giết CHẾT tâm hồn con người hiện đại: “Hàng ngày, ta dùng những kim tiêm thô sơ để chọc lấy tâm hồn của mọi người… “Bọn trẻ biết chúng có thể chết mà vẫn lao vào…” (T 98). Nhân vật sống mà như đã chết: “Gã thấy mình đã chết đâu đó bên lề đường vào năm 20 tuổi…”. Cái chết được nhắc tới nhiều trong truyện Chuyến xe tới địa phủ. “Một ngày kia bạn muốn chết… bạn chỉ cần xách người lên… bắt chuyến xe đi địa phủ” (T 107). Khi nhận ra tính phổ quát và tất yếu người ta sẽ không sợ chết: “Một mình em chết thì em còn sợ chứ tất cả cùng chết thì em không sợ nữa” (T 142);  “Trong thế giới hỗn độn này có gì là không chết đâu” (T 233). Tác giả có cách nói riêng về tuổi tác và cái chết: “ Trẻ hay già thì có hề gì khi không thoát  được số mệnh và vì thế độ tuổi của con người vô dụng như một ái dây thun co co kéo kéo thế nào thì rồi cũng đứt phựt” (T 11), cũng như để nhân vật tả sợi dây thắt cổ: “Cái này sẽ giết mình đây. Nó sẽ cướp đi cuộc đời của mình, sẽ thít cổ…”

 

Gạt bỏ cái cũ, tác giả đưa ra những quan niệm mới: “Tôi là một nhà thơ, nhưng tôi không thích ẩn dụ” (T 106), “Ngôn ngữ chỉ là một trò chơi do con người bày lên” (T 189) và tình yêu: “Nếu một ngày bầu trời không cô đơn nữa chưa chắc người ta đã yêu nó đến vậy” (T 198), khi yêu ta yêu cái ảo tưởng hay hào quang của nó. Thực ra khi anh dốc hết tâm ý vào nó thì anh sẽ yêu nó (T 213) nhưng rồi yêu đến nhường nào thì cũng đến bỏ đi (T 225). Tác giả đã ý thức TÁC PHẨM VĂN HỌC NHƯ MỘT QUÁ TRÌNH, khi bày tỏ “Vì khi vở kịch đi vào những đầu óc khác nhau, nó sẽ biến thể thành những vở kịch khác nhau”(T 163) và cho rằng không cần hiểu tác phẩm mà chỉ cần cảm: “Anh chỉ muốn ngài Pierre ấy đã từng nghĩ gì, đã từng cảm thấy thế nào khi lọt thỏm vào trong hố chữ này” (T 247). Lối miêu tả lạ hóa và hiện đại, nghĩa là lấy yếu tố thiên tạo so sánh với yếu tố nhân tạo. So sánh “giọng khê như kèn đồng rỉ sét trăm năm không được thổi”, “mặt quắt như miếng giấy bị  vò nát” (T 162); “Ánh sáng loãng toẹt như một tô nước dùng trong suốt”; “Âm thanh như một vị khách lạ gõ cửa đêm đen”; hay hành vi trườn với cung bậc nhạc giao hưởng (T 61); “Trăng như cái vòng bạc bị đứt làm đôi”… Lối tả tình rất gợn: “chúng mình, hai con lươn bám vào nhau quấn lấy nhau nhấp nhô như đang nổi trôi giữa một vùng biển động” (T 248).

 

Tồn tại lớn nhất của tập truyện rơi vào truyện ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng do bị cái bóng quá lớn của truyện "Trong rừng trúc" - Ryunosuke Akutagawa bao phủ. Bên cạnh đó do chìm sâu vào thế giới ảo, nội tâm nên không khí truyện ảm đạm (Như mảng truyện tình) và tính xã hội, dân tộc, chất liệu cuộc sống còn thưa thớt khiến nhiều chi tiết thiếu sức thuyết phục. Nói gì thì nói, đối diện với biển truyện phi hiện thực thế giới vốn đã phát triển cực thịnh, thì với cây bút Hiền Trang, chúng ta tự tin vào khả năng hội nhập văn học thế giới. Theo tôi đây là một cây bút đầy triển vọng, nếu tiếp tục đào sâu mạch này ắt sẽ làm nên chuyện.

Vinh Huỳnh/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)