1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

HETEC tổ chức hội thảo Công nghệ lọc nước CDI - bước đột phá về xử lý nước, môi trường và thành lập Ban Quản lý Dự án Nước sạch nông thôn

10/07/2020
Sáng ngày 12.6, Viện Công nghệ và Sức khỏe (Hetec) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Công nghệ lọc nước CDI - Bước đột phá về công nghệ trong xử lý nước và môi trường và công bố Quyết định, ra mắt Ban Quản lý Dự án Nước sạch nông thôn.


Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tiến sĩ Vương Văn Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Tuấn – Chuyên gia Đại học Điện lực, Tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường - Chuyên gia Đại họcPhenikaa, Tiến sĩ Trịnh Bảo Sơn Chuyên gia Đại học Istanbul UK và hơn 30 Doanh nghiệp họat động kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị lọc nước và xử lý nước ở khu vực miền Bắc cùng các phóng viên, báo chí của Trung ương và Hà Nội đến.

Về phía Ban tổ chức có Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe - Trưởng ban tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Linh – Chủ tịch Hội đồng khoa học viện Công nghệ và Sức khỏe, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Vietdream , Tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietdream- Chủ nhiệm đề tài khoa học.
 

Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các vị khách mời 

Phát biểu khai mạc Hội thảo Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe cho biết: Trước thực trạng tại Việt Nam hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề ở các khu vực thành thị và nông thôn cùng với sự biến đổi khí hậu tại các khu vực hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long, dẫn tới nguồn nước ở các khu vực nêu trên đang có thực trạng bị xâm mặn. Bên cạnh đó cùng với những khát khao cháy bỏng xây dựng nên một công nghệ lọc nước made in Việt Nam, sau nhiều năm nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ, TS Đỗ Hữu Quyết đã tiếp cận nền tảng công nghệ CDI và khi trở về Việt Nam Tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết đã tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, cho ra đời máy lọc nước dựa trên nền tảng công nghệ lọc CDI với made in Việt Nam. Công nghệ mang lại nguồn nước uống trực tiếp đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, không những giảm thiểu tối đa lượng nước thải trong quá trình hoạt động, mà còn khắc phục những hạn chế về công nghệ đối với các thiết bị lọc nước hiện đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Chính vì vậy buổi hội thảo “công nghệ Lọc nước CDI – Bước đột phá về công nghệ trong xử lý nước và môi trường” nhằm đưa công nghệ lọc nước CDI phổ biến rộng rãi hơn tại Việt Nam và tạo ra nguồn nước sạch đáng tin cậy chăm sóc sức khỏe cộng đồng... 


Ths. Lê Hữu Thi - Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe phát biểu khai mạc Hội Thảo

Chia sẻ về công nghệ lọc nước CDI, TS. Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietdream- Chủ nhiệm đề tài khoa học cho biết, hiện nay nhiều mẫu nước sinh hoạt TP HCM không đạt tiêu chuẩn, một số bộ phận người dân Hà Nội chưa có nước sạch dùng, nguồn nước ngầm đồng bằng sông Hồng trước thực trạng bị ô nhiễm. Trong khi đó, các công nghệ lọc nước hiện nay như lọc thô (than, cát, sỏi) tuy giảm được chất bẩn, hữu cơ, phèn Fe, Mn, một phần As, chi phí đầu tư thấp, nhưng phải xả ngược, thay vật liệu định kỳ, không lọc được vi khuẩn và hầu hết các chất hòa tan khác. Công nghệ lọc trao đổi ion (dùng muối ăn trong hạt nhựa để trao đổi với các ion khác như Ca2+, Mg2+, Fe3+ ... chứa trong nước đầu vào) có ưu điểm như loại ion vô cơ hiệu quả, có thể tái sinh, đầu tư ban đầu không quá cao. Tuy nhiên, công nghệ này không loại được chất lơ lửng, vi sinh, các hạt nhựa có thể bong ra gây độc nước, là chỗ dựa cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, chi phí vận hành cao, dễ bị thoái hóa dần, cần muối đậm đặc tái sinh, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không lọc được nước lợ.

Đối với các công nghệ như lọc cơ học, lọc micro (UF), lọc nano, lọc RO là sử dụng lực để ép nước nguồn qua một màng có các lỗ nhỏ để loại chất bẩn lớn, cho các chất nhỏ hơn và nước đi qua. Ưu điểm chung của các công nghệ này là có kết cấu đa dạng từ đơn giản đến phức tạp, có tính tùy chọn cao để phù hợp với từng loại nước, chi phí thấp. Nhưng nhược điểm chung là không giữ khoáng (trừ UF, nhưng không lọc được vi sinh), chưa điều chỉnh được lượng khoáng, tuổi thọ thấp, phải thay lõi thường xuyên.

TS Quyết cho biết, CDI là công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới để xử lý các chất hòa tan trong nước, bao gồm muối và các chất gây ô nhiễm. CDI dùng phương pháp điện phân, dùng điện cực để hút các ion hòa tan trong nước như ion kim loại nặng, các chất độc,… Nguyên lý của CDI là cho nước đi song song với màng điện cực, nên không gây áp lực cao làm rách màng gây thất thoát vi khuẩn và chất độc hại, vì thế tuổi thọ màng khá cao (khoảng 10 năm). Nước qua màng điện cực được lọc sạch chất lơ lửng (> 1µm), hấp thu 100% các chất độc như thuốc trừ sâu, phân bón, kim loại nặng, chất oxi hóa gây ung thư, loại trên 99% vi khuẩn, trung tính hóa độ pH. Ngoài ra, CDI còn giúp lưu giữ trên 50% các dưỡng chất cần thiết như Na, K, Li, một phần Ca, Mg, Fe, P,…“Nước lọc đầu ra theo công nghệ này có thể uống trực tiếp và có thể xử lý được nhiều loại nước đầu nguồn như nước sinh hoạt, nông nghiệp, nước thải công nghiệp, nước nhiễm mặn, nước lợ,… mà theo công nghệ RO không giải quyết được” – TS Quyết cho biết thêm, do được nghiên cứu và sản xuất trong nước nên thiết bị lọc có giá thành giảm hơn 50% so với ngoại nhập.


TS. Đỗ Hữu Quyết chia sẻ về công nghệ lọc nước CDI tại Hội thảo

TS. Đỗ Hữu Quyết tiến hành thực nghiệm công nghệ lọc nước CDI ưu việt hơn rất nhiều so với công nghệ lọc nước hiện đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam








 

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các cán bộ quản lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực lọc nước cũng đưa ra các ý kiến phản biện, đóng góp nhằm cải tiến công nghệ.

 
TS. Đỗ Hữu Quyết và ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Vietdream trả lời những phản biện của các chuyên gia.
 

Cũng tại hội thảo, Viện Công nghệ và Sức khỏe tổ chức công bố quyết định ra mắt Ban Quản lý Dự án nước sạch nông thôn. Ban Quản lý dự án nước sạch nông thôn là ban có chuyên môn phụ trách công tác quản lý dự án của Viện Công nghệ và Sức khỏe. Ông Vũ Ngọc Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban, Phó trưởng ban là ông Nguyễn Văn Khiêm. 


Ban này có nhiệm vụ thực hiện: Triển khai các dự án khảo sát nguồn nước tại các khu vực nông thôn, miền núi làm cơ sở cho dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện; Tư vấn các giải pháp nước sạch vệ sinh môi trường, triển khai phổ biến và giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ; Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nước sạch cho cộng đồng dân cư, các điểm trường học ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và các khu vực và các khu vực có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thông qua việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa. 

Trong năm 2020, Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành hoạt động khảo sát đánh giá sơ bộ về nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt của cộng đồng ở các tỉnh nông thôn, miền núi phía bắc để thu thập dữ liệu về nguồn nước để làm cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.



Tại hội thảo, Viện Công nghệ và Sức khỏe đã ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lọc và xử lý nước ở Việt Nam.

Sơn Dương/báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/hetec-to-chuc-hoi-thao-cong-nghe-loc-nuoc-cdi-buoc-dot-pha-ve-xu-ly-nuoc-moi-truong-va-thanh-lap-ban-quan-ly-du-an-nuoc-sach-nong-thon_261484.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)