1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Hà Tĩnh: Cuộc sống mới đang sáng lên từng ngày ở vùng quê Cổ Đạm

20/11/2019
Xóm làng đổi mới, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Hơi thở mãnh liệt của cuộc sống đang hiện hữu trên vùng quê nông thôn mới, không khí vui tươi tràn ngập khắp các nẻo đường. Đó là cảm nhận của những người dân nông thôn mới trên địa bàn xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, khi mà họ đang được hưởng thành quả mà chính mình đã góp công gây dựng.

Tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc Ca trù Cổ Đạm trong lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới

Về huyện Nghi Xuân không thể không nhắc đến Ca trù Cổ Đạm - Sức sống của một di sản độc đáo. Đây là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng ca nhạc của người Việt Nam. Cùng với 15 tỉnh, thành khác, miền đất hát Cổ Đạm (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) đã góp phần tạo nên thể loại sinh hoạt văn nghệ dân gian ca trù đặc sắc của Việt Nam, ca trù Cổ Đạm có những nét riêng khác biệt khó lẫn với những vùng, miền khác.

Lãnh đạo xã Cổ Đạm đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016

Đối với mỗi người dân Cổ Đạm, ai ai cũng đều cảm nhận, tự hào trước sự thay đổi trong cuộc sống hôm nay. Từ trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, đường liên thôn đều khang trang, sạch đẹp. Không khí thi đua xây dựng nông thôn mới ở xã ngày càng mạnh mẽ, sôi nổi và nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của nhân dân. Trong xây dựng nông thôn mới, cái mà người dân đạt được hôm nay chính là sự văn minh, no ấm hơn và sự bình yên hiện hữu ở từng thôn, xóm, trong mỗi nếp nhà.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của trạm y tế xã Cổ Đạm luôn tận tình, chu đáo trong công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân

Trò chuyện với người dân, họ hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về việc chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, những đổi thay theo chiều hướng tích cực của bộ mặt nông thôn, nếp ăn, nếp ở đã khác xưa và cả những dự tính làm ăn trong thời gian tới. Mọi người ai cũng hân hoan, phấn khởi khi các công trình được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả có phần góp công sức của chính họ. Cùng với những chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đoàn kết, vận động nhau cùng đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường để nối dài những tuyến đường bê tông liên thôn, liên xóm, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh.

Gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XD NTM (2010 – 2020), chính quyền và người dân đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện, năm 2016 xã Cổ Đạm vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng NTM là có điểm đầu không có điểm kết thúc, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ông Trần Quang Huệ ở thôn Vân Thanh Bắc, xã Cổ Đạm phấn khởi cho biết: "nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, hiện nay xã đang tiếp tục XDNTM nâng cao nên gia đình tôi, con cháu tôi và cả cộng đồng dân cư thôn xóm đã tự nguyện đóng góp tiền hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công, hàng chục m2 đất để xây dựng nâng cấp nhà văn hóa thôn và mở rộng đường giao thông nông thôn để đi lại thuận tiện hơn”.

Kinh nghiệm của xã Cổ Đạm trong xây dựng nông thôn mới là xác định công tác tuyên truyền như một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Đối tượng cần tuyên truyền đầu tiên là cán bộ, công chức cấp xã thì sẽ tạo ra nhận thức ngay từ cán bộ, công chức vì đó chính là lực lượng sẽ tuyên truyền đến người dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là phục vụ cho nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính bản thân người dân.

Khuôn viên trường mầm non xã Cổ Đạm luôn xanh - sạch - đẹp - thân thiện và xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm

Ông Nguyễn Thái Tứ - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết: “Xác định người nông dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò chủ thể, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới nên thời gian qua, xã đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về nhiệm vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân trong xã đã tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức làm đường, xây dựng hội trường thôn, tu sửa nhà cửa, làm các công trình vệ sinh… Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện”.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 40 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo theo phương pháp đa chiều đạt 2,31%; Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,8%. Xã có 11/12 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.

Trong 10 năm đã cứng hóa được 51.307 km đường giao thông nông thôn, trong đó: đường trục xã 11,901 km, đường trục thôn 4.414 km, đường ngõ xóm 22.603 km, đường trục chính nội đồng 12.389 km, cứng hóa 14,21 km rãnh thoát nước khu dân cư, mở rộng nâng cấp 20,43 km lề đường đến nay. Trên địa bàn xã có 2 trường là trường Mầm non và trường Tiểu học đều được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, trạm y tế đạt chuẩn. Kinh tế trong những năm qua tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 15%/năm . Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng chiếm 12,9%; thương mại - dịch vụ 63,5%; nông - lâm - thủy sản 23,6%. Thu nhập bình quân đầu người đến tháng 6 năm 2019 đạt 40 triệu đồng (tăng 23,76 triệu đồng so với năm 2010).Trong 10 năm, đã thành lập được 52 mô hình sản xuất các loại cho doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên, trong đó: 4 mô hình quy mô lớn cho doanh thu trên 01 tỷ đồng/năm, 3 mô hình quy mô vừa cho doanh thu từ 500 đến dưới 01 tỷ đồng và 32 mô hình quy mô nhỏ cho doanh thu từ 100 - 500 triệu đồng.

Khung cảnh khang trang của khu dân cư kiểu mẫu tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

Ông Trần Sỹ Quang - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ “Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao ở tất cả người dân. Đặc biệt kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng, ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các thôn đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn thôn kiểu mẫu”.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ đó sẽ giúp xã Cổ Đạm từng bước đưa đời sống văn hóa xã hội nông thôn xích gần với thành thị, người nông dân ngày càng có điều kiện để tiếp cận những dịch vụ xã hội tốt hơn; cuộc sống văn minh đang đến với người dân nông thôn, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Dương Xuân Lộc/Môi trường và Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/Article/2036/Ha-Tinh-Cuoc-song-moi-dang-sang-len-tung-ngay-o-vung-que-Co-Dam.html

 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)